Danh sách những người có liên quan của công ty cổ phần Việt Nam được mở rộng?
Khi xác định ai là người có liên quan của công ty cổ phần chưa đại chúng (CTCP), như một thông lệ, mọi người sẽ xem Điều 4.23 của Luật Doanh Nghiệp 2020. Điều 4.23 liệt kê những người có liên quan của một công ty. Tuy nhiên, Điều 167.1 Luật Doanh Nghiệp 2020 về giao dịch của các bên liên quan (GDLQ) áp dụng cho CTCP cho thấy rằng danh sách những người có liên quan theo Điều 4.23 có thể không đầy đủ.
Điều 167.1 quy định rằng: Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua hợp đồng và giao dịch giữa CTCP và “những người có liên quan sau đây”:
(a) cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông nắm giữ trên 10% cổ phần phổ thông và người có liên quan của họ;
(b) thành viên Hội đồng quản trị, (Tổng) giám đốc và những người có liên quan của họ; và
(c) các doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty có lợi ích và phải kê khai với CTCP theo quy định tại Điều 164.2 Luật Doanh Nghiệp 2020.
Cụm từ “những người có liên quan sau đây” trong Điều 167.1 ám chỉ rằng các bên còn lại trong GDLQ với CTCP như được liệt kê trong mục (a), (b) và (c) ở trên là những người có liên quan của CTCP. Tuy nhiên, không rõ người soạn thảo Luật Doanh nghiệp 2020 có thực sự muốn mở rộng phạm vi người có liên quan của một CTCP hay không.
Điều thú vị là, các Điều khoản tương tự của Luật Doanh Nghiệp về GDLQ không đề cập đến các bên còn lại trong GDLQ với CTCP là “người có liên quan”:
● Điều 162.1 Luật Doanh Nghiệp 2014 áp dụng cho CTCP quy định rằng các hợp đồng và giao dịch giữa công ty và "đối tượng" cần có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị; và
● Điều 67.1 Luật Doanh Nghiệp 2020 áp dụng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Công Ty TNHH) cũng đề cập đến các bên còn lại trong GDLQ với Công Ty TNHH là “đối tượng” không phải là “người có liên quan”.
Bài viết được thực hiện bởi Hà Thanh Phúc và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.