Chuyển vốn bổ sung vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sau khi hết thời hạn góp vốn

Theo Thông Tư 06 của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ngày 26 tháng 6 năm 2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (Thông Tư 06/2019), nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam (Nhà Đầu Tư) của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) phải chuyển các khoản tiền góp vốn cho FIE thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) của FIE được mở tại một ngân hàng tại Việt Nam. Bài viết này trao đổi về việc liệu các Nhà Đầu Tư có thể chuyển vốn điều lệ bổ sung (Vốn Bổ Sung) vào tài khoản DICA nếu thời hạn góp vốn theo Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư (IRC) đã hết.

Mặc dù pháp luật không hoàn toàn rõ ràng, có một số lập luận theo pháp luật Việt Nam ủng hộ việc Nhà Đầu Tư vẫn có thể góp Vốn Bổ Sung vào tài khoản DICA, sau khi thời hạn góp vốn được quy định trong IRC đã hết. Cụ thể,

Theo Thông Tư 06/2019

1.1.      Điều 4.1 Thông Tư 06/2019 quy định rõ ràng rằng “nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức vốn góp của nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành), Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, hợp đồng PPP đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật”.

Đoạn được bôi đậm gợi ý rằng các Nhà Đầu Tư được phép góp vốn theo mức vốn góp được ghi nhận trong IRC. Thông Tư 06/2019 (bao gồm Điều 4.1) không có quy định nào yêu cầu việc góp vốn đó phải được thực hiện theo thời hạn góp vốn được quy định trong IRC hoặc cấm Nhà Đầu Tư góp số vốn còn thiếu sau khi hết thời hạn góp vốn.

Theo Luật Doanh Nghiệp 2020

1.2.      Mặc dù Luật Doanh Nghiệp 2020 đặt ra một thời hạn cụ thể để một nhà đầu tư góp vốn ban đầu và đồng thời quy định hậu quả nếu nhà đầu tư không thực hiện, Luật Doanh Nghiệp 2020 không quy định về thời hạn góp Vốn Bổ Sung và hậu quả của việc vi phạm (xem chi tiết trong bảng dưới đây). Các Nhà Đầu Tư vì vậy có thể lập luận rằng các Nhà Đầu Tư có thể góp Vốn Bổ Sung ngay cả trong trường hợp thời hạn liên quan theo IRC đã hết. 

Mục

Góp vốn ban đầu

Vốn Bổ Sung

Bản chất

Góp vốn ban đầu để thành lập một công ty.

Vốn Bổ Sung có mục đích là tăng thêm vốn điều lệ của một công ty.

Thời hạn góp vốn

Trong vòng 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp (ERC).

Không áp dụng

Hậu quả

(a)            Nếu một thành viên không góp vốn phần vốn góp ban đầu sau khi hết thời hạn, công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ và thay đổi tỷ lệ góp vốn trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết hạn.

(b)            Thành viên vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trước ngày diễn ra sự thay đổi nêu trên và tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp mà thành viên đó đã cam kết.

Không áp dụng

 

Theo Luật Đầu Tư 2020

1.3.      Theo quy định của luật, các Nhà Đầu Tư có nghĩa vụ chung là tuân thủ IRC (có thể được hiểu bao gồm cả tuân thủ thời hạn góp vốn được quy định tại IRC). Theo đó, nếu các Nhà Đầu Tư không góp vốn đúng hạn, các Nhà Đầu Tư có thể bị phạt tiền từ 70 đến 100 triệu Việt Nam Đồng theo Nghị Định 122/2021. Tuy nhiên, Nghị Định 122/2021 không yêu cầu các Nhà Đầu Tư phải sửa đổi thời hạn góp vốn quy định tại IRC. Ngoài ra, theo Luật Đầu Tư 2020, hành vi vi phạm đó không ngay lập tức dẫn đến việc thu hồi IRC mà các Nhà Đầu Tư sẽ có cơ hội khắc phục vi phạm. Theo quy tắc logic, biện pháp khắc phục phù hợp đối với hành vi góp vốn muộn là góp phần vốn góp còn thiếu càng sớm càng tốt.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, trên thực tế, nhiều ngân hàng của Việt Nam vẫn cho phép các nhà đầu tư chuyển Vốn Bổ Sung vào tài khoản DICA sau khi hết thời hạn mà nhà đầu tư không phải chịu bất kỳ biện pháp xử phạt nào từ Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam. Các ngân hàng có thể cần thực hiện một số biện pháp để tự bảo vệ mình.

Bài viết này do Nguyễn Hoàng Duy thực hiện và biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.