Ủy quyền lại thẩm quyền ký kết của người đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc có được ủy quyền lại cho người khác để ký thỏa thuận đã được Hội đồng quản trị thông qua nếu người đại diện theo pháp luật đó được Hội đồng quản trị ủy quyền ký vào thỏa thuận này không?

Mặc dù vẫn còn một số lập luận phản bác (như được thảo luận dưới đây), tùy thuộc vào quy định trong điều lệ của công ty liên quan (ví dụ: điều lệ không có quy định cụ thể nào cấm người đại diện theo pháp luật ủy quyền lại cho người khác), có thể cho rằng người đại diện theo pháp luật có thể ủy quyền lại thẩm quyền ký kết của mình cho người khác ký thỏa thuận. Điều này là do:

·         Theo Điều 138.1 Bộ Luật Dân Sự 2015, cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

·         Theo Điều 12.3 Luật Doanh Nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật phải ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện quyền hạn của mình nếu người đó xuất cảnh khỏi Việt Nam. Điều này hàm ý rằng người đại diện theo pháp luật có thể ủy quyền lại cho một người bất kỳ để thực hiện thẩm quyền của mình.

·         Quyền đại diện là quyền mặc định của người đại diện theo pháp luật (theo Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020). Vì vậy, mặc dù Hội đồng quản trị có thể thông qua thỏa thuận nhưng quyền đại diện công ty ký kết thỏa thuận đó phải thuộc về người đại diện theo pháp luật.

Mặc dù có những lập luận hợp lý nêu trên, vẫn có ý kiến cho rằng người đại diện theo pháp luật không thể ủy quyền lại thẩm quyền ký kết của mình vì:

·         Điều 153.2(k) Luật Doanh Nghiệp 2020 đã trao cho Hội đồng quản trị quyền chỉ đạo Tổng giám đốc thực hiện nhiệm vụ điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty. Theo đó, nghị quyết của Hội đồng quản trị có thể được hiểu là chỉ đạo Tổng giám đốc đích thân ký thỏa thuận; và

·         Điều 162.2, 162.3(b) và Điều 162.4 Luật Doanh Nghiệp 2020 yêu cầu Tổng giám đốc công ty phải tuân thủ nghị quyết của Hội đồng quản trị. Vì vậy, tổng giám đốc có thể bị ràng buộc bởi nghị quyết của Hội đồng quản trị và phải tự mình ký vào thỏa thuận.

Tuy nhiên, do (i) người đại diện theo pháp luật đồng thời giữ hai chức vụ (tức là người đại diện theo pháp luật và tổng giám đốc) và (ii) người có thẩm quyền ký kết thuộc về người đại diện theo pháp luật (không phải Tổng giám đốc hay Hội đồng quản trị) nên có thể cho rằng cách giải thích trên không ảnh hưởng đến quyền đại diện của người đại diện theo pháp luật. Vì vậy, chỉ cần người đại diện theo pháp luật tuân thủ nghị quyết của Hội đồng quản trị (tức là chỉ ký những thỏa thuận được Hội đồng quản trị thông qua) thì người đó vẫn có thể ủy quyền lại cho người khác ký vào thỏa thuận đã được thông qua trên cơ sở Điều 138.1 Bộ Luật Dân sự 2015 và Điều 12.3 Luật Doanh nghiệp 2020.

Bài viết này được thực hiện bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.