Hội Đồng Quản Trị công ty cổ phần có thể ra quyết định nếu không duy trì được số lượng thành viên dự họp tối thiểu tại thời điểm biểu quyết?
Theo Điều 157.8 của Luật Doanh Nghiệp 2020, cuộc họp Hội Đồng Quản Trị được tiến hành khi có từ ba phần tư (3/4) tổng số thành viên Hội Đồng Quản Trị trở lên dự họp. Tuy nhiên, không rõ là (1) số lượng thành viên tối thiểu này chỉ cần được đáp ứng khi bắt đầu cuộc họp hay (2) số lượng thành viên tối thiểu này phải được duy trì từ đầu đến cuối cuộc họp Hội Đồng Quản Trị. Nếu cách hiểu (1) được chấp nhận thì một quyết định được thông qua bởi đa số thành viên Hội Đồng Quản Trị tham dự cuộc họp vẫn sẽ có hiệu lực ngay cả khi không đủ số lượng thành viên tối thiểu trong cuộc họp (ví dụ: một thành viên Hội Đồng Quản Trị rời khỏi cuộc họp).
Các lập luận ủng hộ cách hiểu (1):
· Điều 157.8 của Luật Doanh Nghiệp 2020 có thể được hiểu là số lượng thành viên tối thiểu dự họp chỉ áp dụng khi bắt đầu cuộc họp Hội Đồng Quản Trị. Luật Doanh Nghiệp 2020 chỉ quy định quyết định của Hội Đồng Quản Trị sẽ được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp tán thành. Không có yêu cầu cụ thể nào về số lượng thành viên tối thiểu phải được đáp ứng tại thời điểm biểu quyết hoặc trong suốt cuộc họp Hội Đồng Quản Trị.
· Theo Điều 157.11 Luật Doanh Nghiệp 2020, thành viên Hội Đồng Quản Trị phải tham gia đầy đủ các cuộc họp Hội Đồng Quản Trị. Nếu thành viên Hội Đồng Quản Trị rời cuộc họp Hội Đồng Quản Trị khi cuộc họp chưa kết thúc, thì thành viên đó có thể bị xem là vi phạm nghĩa vụ của mình. Theo đó, việc cho phép một thành viên Hội Đồng Quản Trị vi phạm nghĩa vụ bằng cách rời khỏi cuộc họp Hội Đồng Quản Trị để nhằm cản trở Hội Đồng Quản Trị thông qua quyết định là không hợp lý; và
· Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, việc ra quyết định của đại hội đồng cổ đông được tính toán bằng cách tham chiếu đến số phiếu biểu quyết của các cổ đông tham dự và biểu quyết về quyết định có liên quan. Theo đó, khi xác định ngưỡng biểu quyết, Luật Doanh Nghiệp 2020 dường như không tính đến yêu cầu về số lượng cổ đông tối thiểu tại thời điểm biểu quyết. Điều này là bởi các cổ đông dự họp nhưng không biểu quyết bao gồm cả những cổ đông rời đi trước cuộc họp đều không được tính đến. Cách tiếp cận này có thể áp dụng tương tự cho việc ra quyết định của Hội Đồng Quản Trị.
Bài viết này được thực hiện bởi Lưu Tuấn Hùng và Nguyễn Quang Vũ.