Vai trò của đại diện người sở hữu trái phiếu theo pháp luật Việt Nam
Đại diện người sở hữu trái phiếu được định nghĩa tại Nghị Định 155/2020 là thành viên lưu ký của Tổng Công Ty Lưu Ký Và Bù Trừ Chứng Khoán Việt Nam hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được chỉ định hoặc lựa chọn để “đại diện” cho quyền lợi của người sở hữu trái phiếu. Tuy nhiên, không rõ đại diện người sở hữu trái phiếu là người đại diện theo pháp luật hay người đại diện theo ủy quyền của người sở hữu trái phiếu.
Bản chất pháp lý về vai trò của đại diện người sở hữu trái phiếu là tương đối quan trọng. Ví dụ, nếu đại diện người sở hữu trái phiếu là người đại diện theo pháp luật của người sở hữu trái phiếu thì người sở hữu trái phiếu không thể trực tiếp thực hiện các quyền của mình theo các điều khoản trái phiếu. Mặt khác, nếu đại diện người sở hữu trái phiếu chỉ là người đại diện theo ủy quyền của người sở hữu trái phiếu thì theo quy định của pháp luật, người sở hữu trái phiếu vẫn có thể trực tiếp thực hiện các quyền của mình theo các điều khoản trái phiếu.
Trước hết, mối quan hệ giữa đại diện người sở hữu trái phiếu và người sở hữu trái phiếu là quan hệ đại diện. Điều này là do:
· Theo Bộ Luật Dân Sự 2015, quan hệ đại diện được xác lập khi cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân, pháp nhân khác để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Mặc dù Nghị Định 155/2020 không sử dụng chính xác ngôn từ của Bộ Luật Dân Sự 2015, song Nghị Định 155/2020 đã sử dụng các từ đại diện và quyền lợi; và
· Nghị Định 155/2020 cũng quy định đại diện người sở hữu trái phiếu sẽ “thay mặt” người sở hữu trái phiếu thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp trái phiếu được bảo đảm.
Một mặt, do vai trò của đại diện người sở hữu trái phiếu đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật (tức Nghị Định 155/2020), nên có thể cho rằng đại diện người sở hữu trái phiếu là người đại diện theo pháp luật của người sở hữu trái phiếu. Tuy nhiên, cách hiểu này không phù hợp với một số quy định của pháp luật. Cụ thể,
· Nếu người sở hữu trái phiếu là cá nhân thì danh sách những người có thể là người đại diện theo pháp luật của cá nhân theo Bộ Luật Dân Sự 2015 (ví dụ: cha mẹ đối với con cái của họ, người giám hộ hoặc người được tòa án chỉ định) không bao gồm đại diện người sở hữu trái phiếu; và
· Nếu người sở hữu trái phiếu là công ty thì theo Luật Doanh Nghiệp 2020, người đại diện theo pháp luật của công ty phải là cá nhân có thông tin được ghi nhận trong Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp của công ty (ERC). Đại diện người sở hữu trái phiếu là tổ chức có thông tin không được ghi nhận trong ERC của người sở hữu trái phiếu là công ty.
Theo đó, cách hiểu hợp lý hơn là đại diện người sở hữu trái phiếu là người đại diện theo ủy quyền của người sở hữu trái phiếu. Cách giải thích này không phải là không có vấn đề. Chẳng hạn, không có văn bản ủy quyền nào được người sở hữu trái phiếu ký xác nhận ủy quyền cho đại diện người sở hữu trái phiếu làm người đại diện theo ủy quyền của người sở hữu trái phiếu. Đại diện người sở hữu trái phiếu thường chỉ ký hợp đồng với tổ chức phát hành trái phiếu mà đại diện người sở hữu trái phiếu chấp nhận làm đại diện người sở hữu trái phiếu. Vai trò của đại diện người sở hữu trái phiếu cũng được đưa vào trong các điều khoản trái phiếu. Không rõ liệu một thỏa thuận như vậy có tạo ra sự ủy quyền của người sở hữu trái phiếu cho đại diện người sở hữu trái phiếu hay không.
Bài viết này được thực hiện bởi Lưu Tuấn Hùng và Nguyễn Quang Vũ.