Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Nên Góp Vốn Vào Doanh Nghiệp Có Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài (FDI) Bằng Ngoại Tệ Hay Đồng Việt Nam?

Giới thiệu

Doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài có hoặc không có nhà đầu tư trong nước. Thông lệ phổ biến là các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào một doanh nghiệp FDI bằng ngoại tệ, chẳng hạn như USD, với số tiền bằng loại ngoại tệ cụ thể đó được ghi trong Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp (ERC) và/hoặc Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Đầu Tư (IRC) của doanh nghiệp FDI. Chênh lệch tỷ giá giữa ngày cấp IRC và ngày thực góp vốn thường dẫn đến sự chênh lệch giữa số tiền bằng Đồng Việt Nam (VND) được quy đổi từ vốn góp bằng ngoại tệ và số tiền VND ghi trên IRC.

Trong những trường hợp như vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu nhà đầu tư nước ngoài có được coi là đã góp đủ vốn hay không vì không rõ số tiền nào sẽ được sử dụng để xác định xem vốn điều lệ của doanh nghiệp FDI đã được góp đủ hay chưa: (i) số tiền VND sau khi được quy đổi từ ngoại tệ, hoặc (ii) số tiền thực góp bằng ngoại tệ (xem phân tích bên dưới). Các cơ quan có thẩm quyền khác nhau có thể có quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Phân tích chi tiết

Một mặt, có thể lập luận rằng số tiền bằng ngoại tệ sẽ chiếm ưu thế vì:

·         Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định chủ sở hữu hoặc thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải góp vốn cho công ty “đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp”. Quy định này cũng có thể được áp dụng cho các lần góp vốn tiếp theo trên cơ sở tương tự. Điều này hàm ý rằng pháp luật không bắt buộc phải góp đủ vốn bằng VND nếu chủ sở hữu đăng ký góp vốn bằng USD;

·         Điều 36 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định, nếu phần vốn góp bằng tài sản không phải là VND, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì phần vốn góp đó phải được định giá và được thể hiện thành VND. Quy định này ngụ ý rằng nếu vốn được góp bằng ngoại tệ (ví dụ: USD) thì số tiền thực góp bằng USD sẽ được ưu tiên; và

·         Trên thực tế, đã có trường hợp nhà đầu tư nước ngoài bị ngân hàng nơi mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DICA) từ chối cho góp vốn bổ sung bằng USD để xử lý phần chênh lệch tỷ giá giữa số tiền bằng VND quy đổi từ số tiền góp vồn bằng USD và số vốn điều lệ bằng VND ghi trên ERC. Quan điểm của ngân hàng là nhà đầu tư nước ngoài đã góp đủ vốn bằng USD. Đối với trường hợp này, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã làm rõ rằng nhà đầu tư nước ngoài được quyền lựa chọn góp vốn bằng VND hoặc ngoại tệ phù hợp với đồng tiền thực góp vốn, miễn là phù hợp với mức vốn góp ghi trên IRC . Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được yêu cầu góp vốn đầy đủ bằng đồng tiền mà họ lựa chọn, với điều kiện là cả đồng tiền và số tiền tương ứng đều được ghi chính xác trong IRC.

Mặt khác, có thể lập luận rằng do vốn điều lệ ghi trên ERC/IRC là bằng VND và số tiền bằng ngoại tệ chỉ là giá trị tương đương, thì vốn điều lệ phải được tính theo số tiền VND. Cần lưu ý rằng

·         đã có tiền lệ theo đó Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư thực hiện theo hướng này và yêu cầu nhà đầu tư góp đủ vốn bằng VND; và

·         thực tế đã có những trường hợp các doanh nghiệp FDI bị phạt hành chính do không đóng góp đủ số tiền bằng VND.

Vì những điều trên, mặc dù có những lập luận bảo vệ hợp lý và quyền của các nhà đầu tư FDI trong việc góp vốn điều lệ bằng ngoại tệ, vẫn có rủi ro các cơ quan có thẩm quyền có liên quan có thể cho rằng vốn điều lệ của doanh nghiệp FDI chưa được góp đủ.

Bài viết này được viết bởi Nguyễn Thục Anh và được biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.