Danh Sách Cần Theo Dõi Quan Trọng Trong Việc Tuân Thủ Quy Định Về Phòng Chống Rửa Tiền Ở Việt Nam

Theo quy định về phòng chống rửa tiền (PCRT), các đối tượng báo cáo (ví dụ, các tổ chức tín dụng) có nghĩa vụ phải nhận biết được các danh sách cần theo dõi quan trọng, được quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, để đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ về PCRT của họ. Bài viết này sẽ giới thiệu những danh sách theo dõi đó và bình luận về các yêu cầu cụ thể liên quan đến các danh sách này.

Các danh sách cần theo dõi theo quy định về PCRT

Theo quy định về PCRT, Chính Phủ Việt Nam quản lý các danh sách cần theo dõi sau đây:

(1)        Danh Sách Đen: bao gồm (a) danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố do Bộ Công An (BCA) lập và (b) danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do Bộ Quốc Phòng (BQP) lập;

(2)        Danh Sách Cảnh Bảo: là danh sách tổ chức, cá nhân do Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) lập nhằm cảnh báo về tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền; và

(3)        Danh Sách Cá Nhân Nước Ngoài Có Ảnh Hưởng Chính Trị (Danh Sách PEPs): là danh sách các cá nhân nước ngoài giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế do NHNN thông báo.

Không có hướng dẫn cụ thể về cách truy cập các danh sách cần theo dõi này hoặc quy trình kiểm tra dữ liệu trong các danh sách đó. Tuy nhiên, trừ Danh Sách Cảnh Báo, mà vẫn chưa được công bố công khai bởi NHNN, Danh Sách Đen (mục (1)(a)(1)(b)) và Danh Sách PEP có thể được tìm thấy trên các cổng thông tin quốc gia của BCA, BQP và NHNN (xem các liên kết được đính kèm)

Các quy định liên quan đến các danh sách cần theo dõi

Theo quy định về PCRT, các giao dịch liên quan đến các cá nhân hoặc tổ chức liệt kê trong Danh Sách Đen, Danh Sách Cảnh Báo hoặc Danh Sách PEP được coi là có rủi ro cao về rửa tiền, yêu cầu các biện pháp PCRT tăng cường. Cụ thể, các đối tượng báo cáo có các nghĩa vụ sau.

Liên quan đến Danh Sách Đen, các đối tượng báo cáo phải báo cáo cho lực lượng chống khủng bố của NHNN và BCA và áp dụng các biện pháp tạm thời (ví dụ, trì hoãn giao dịch) nếu có các căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện có bất cứ bên nào trongn giao dịch được liệt kê trong Danh Sách Đen. Các căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện bao gồm:

  • Cá nhân, tổ chức liên quan tới giao dịch có thông tin trùng khớp toàn bộ với thông tin của cá nhân, tổ chức thuộc Danh Sách Đen;

  • Cá nhân, tổ chức liên quan tới giao dịch có một trong các nhóm thông tin nhất định trùng khớp với thông tin của cá nhân/tổ chức thuộc Danh Sách Đen và trên cơ sở các thông tin thu thập, các cá nhân/tổ chức đó được tin rằng có liên quan tới khủng bố, tài trợ khủng bố, phổ biến hoặc tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Liên quan đến Danh Sách PEP, các đối tượng báo cáo phải thực hiện, trong số các nghĩa vụ khác, có hệ thống quản lý rủi ro phù hợp nhằm xác định khách hàng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi thuộc Danh Sách PEP; có được sự chấp thuận của quản lý cấp cao trước khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh với khách hàng là người trong Danh Sách PEP; xác minh nguồn gốc tài sản của những cá nhân nước ngoài trong Danh Sách PEP và người liên quan của họ, giám sát mối quan hệ kinh doanh với những đối tượng này; và  giám sát chặt chẽ mối quan hệ kinh doanh với chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có người thụ hưởng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi của người thụ hưởng là cá nhân nước ngoài trong Danh Sách PEP và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ nếu cần thiết.

Liên quan đến Danh Sách Cảnh Báo, các đối tượng báo cáo phải áp dụng các biện pháp tăng cường để giám sát các giao dịch có liên quan đến các cá nhân hoặc tổ chức trong Danh Sách Cảnh Báo, bao gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, tăng cường và giám sát chặt chẽ các giao dịch của khách hàng, kiểm tra thông tin và mục đích của giao dịch. Nếu có nghi ngờ, đối tượng báo cáo phải xem xét, phân tích, báo cáo giao dịch đáng ngờ và có thể từ chối giao dịch đó.

Bài viết này được thực hiện bởi  Trịnh Phương Thảo Nguyễn Hoàng Duy và được biên tập bởi  Nguyễn Quang Vũ.