Tư cách pháp lý không rõ ràng của chi nhánh công ty tại Việt Nam
Theo Điều 84.2 Bộ Luật Dân Sự 2015, chi nhánh của pháp nhân có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân đó. Tuy nhiên, Bộ Luật Dân Sự 2015 không cho phép chi nhánh hoạt động với tư cách đại diện theo ủy quyền của pháp nhân. Do đó, không rõ chi nhánh sẽ thực hiện chức năng của pháp nhân với tư cách nào.
Về mặt logic, để chi nhánh thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân thì có thể cân nhắc hai cách tiếp cận sau đây:
· Cách 1: chi nhánh được phép hoạt động với tư cách đại diện theo ủy quyền của pháp nhân, dựa trên quy định của một văn bản pháp luật khác; hoặc
· Cách 2: chi nhánh thực hiện chức năng của pháp nhân dưới tên và nhân danh chính mình, mà không cần ủy quyền từ công ty mẹ. Hành động (hoặc không hành động) của chi nhánh sẽ được coi là hành động (hoặc không hành động) của công ty mẹ.
Đối với Cách 1, theo các quy định của Bộ Luật Dân Sự 2015, chỉ có cá nhân và pháp nhân mới có thể nhân danh chính mình giao kết hợp đồng. Ngoài ra, một pháp nhân chỉ có thể ủy quyền cho cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập và thực hiện giao dịch dân sự. Vì vậy, do chi nhánh không phải là pháp nhân nên không thể nhận ủy quyền từ công ty mẹ để xác lập và thực hiện hợp đồng với tư cách đại diện theo ủy quyền của công ty mẹ.
Trong khi đó, Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định rằng chi nhánh công ty có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của công ty đó, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, không rõ quy định này nhằm cho phép chi nhánh (1) làm đại diện theo ủy quyền của công ty mẹ, hay (2) làm đại diện theo ủy quyền của bên thứ ba, trong trường hợp có bên thứ ba ủy quyền cho công ty mẹ của chi nhánh. Mặc dù có nhiều cách giải thích, cách giải thích số (1) có vẻ hợp lý hơn. Nếu áp dụng cách giải thích này, có thể lập luận rằng Luật Doanh Nghiệp 2020 là văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau nên sẽ được ưu tiên áp dụng so với Bộ Luật Dân Sự 2015. Theo đó, theo Luật Doanh Nghiệp 2020, chi nhánh công ty có thể xác lập hợp đồng với tư cách đại diện theo ủy quyền của công ty mẹ.
Đối với Cách 2, do cơ sở pháp lý của Cách 1 không hoàn toàn rõ ràng, chúng tôi cho rằng Cách 2 sẽ là cách tiếp cận phù hợp hơn. Theo Cách 2, chi nhánh có thể thực hiện nhiệm vụ được giao bởi công ty mẹ mà không cần ủy quyền từ công ty mẹ. Và hành động hoặc không hành động của chi nhánh sẽ được coi là hành động hoặc không hành động của công ty mẹ. Điều 84 Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định, bên cạnh các nội dung khác, rằng pháp nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh xác lập, thực hiện.
Bài viết này được thực hiện bởi Trần Đức Long và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.