Thỏa Thuận về ROFO, ROFR, Quyền Được Cùng Bán và Quyền Buộc Bán Cùng Có Thể Hoạt Động Như Thế Nào Trong Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Hai Thành Viên Trở Lên Tại Việt Nam?
Trong thỏa thuận thành viên (hoặc hợp đồng liên doanh) giữa các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên), các thành viên thường thỏa thuận về các hạn chế chuyển nhượng phần vốn góp khác nhau như quyền được chào bán đầu tiên (ROFO), quyền được từ chối đầu tiên (ROFR), quyền được cùng bán hoặc quyền buộc bán cùng. Các [hạn chế] chuyển nhượng phần vốn góp này nhằm mục đích để các bên kiểm soát cơ cấu tỷ lệ sở hữu phần vốn góp trong Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên và việc các bên rút vốn khỏi Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên. Tuy nhiên, việc thực hiện các thỏa thuận hạn chế chuyển nhượng như vậy có thể mâu thuẫn với các hạn chế chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định tại Điều 52 Luật Doanh Nghiệp 2020. Do đó, thỏa thuận thành viên có liên quan đến Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên nên có điều khoản cụ thể để giải quyết những mâu thuẫn đó.
Bảng dưới đây liệt kê những mâu thuẫn tiềm ẩn giữa các thỏa thuận về ROFO, ROFR, Quyền Được Cùng Bán, Quyền Buộc Bán Cùng và các thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp theo Điều 52 của Luật Doanh Nghiệp 2020.
Điều 52 Luật Doanh Nghiệp 2020 |
Những mâu thuẫn tiềm ẩn |
Nếu thành viên của Công Ty TNHH Hai Thành Viên Trở Lên muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình (thành viên chuyển nhượng) thì thành viên đó phải chào bán phần vốn góp của mình cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán.
|
Trong trường hợp ROFR được thỏa thuận, thành viên chuyển nhượng phải nhận được đề xuất mua phần vốn góp của mình từ bên thứ ba trước khi tiếp cận các thành viên không chuyển nhượng. Điều này có nghĩa là thành viên chuyển nhượng có thể phải tiếp cận và chào bán phần vốn góp của mình cho bên thứ ba trước khi chào bán cho thành viên không chuyển nhượng. Điều này có thể được xem là trái với Điều 52 của Luật Doanh Nghiệp 2020.
Trong trường hợp ROFO được thỏa thuận, thành viên chuyển nhượng có thể yêu cầu thành viên không chuyển nhượng gửi đề xuất mua phần vốn góp sở hữu bởi thành viên chuyển nhượng thay vì chào bán cho thành viên không chuyển nhượng đó. Điều này cũng có thể được coi là trái với Điều 52 của Luật Doanh Nghiệp 2020. |
Thành viên chuyển nhượng có thể chuyển nhượng phần vốn góp của mình, với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc mua không hết trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày chào bán. |
Trong trường hợp ROFR và ROFO được thỏa thuận, các bên thường đồng ý rằng một thành viên không chuyển nhượng có thể đề xuất mua [phần vốn góp của] thành viên chuyển nhượng nhiều hơn so với phần vốn góp được chào bán theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp trong công ty của thành viên không chuyển nhượng đó nếu các thành viên không chuyển nhượng khác không mua phần vốn góp [mà họ] được chào bán theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp trong công ty. Tuy nhiên, Điều 52 chỉ đề cập đến việc thành viên chuyển nhượng có thể chuyển nhượng cho những người không phải là thành viên.
Điều 52 quy định rằng một đề xuất bán phần vốn góp cho những người không phải là thành viên phải có cùng điều kiện đối với đề xuất bán cho thành viên không chuyển nhượng. Điều này có thể mâu thuẫn với ROFR và ROFO được thỏa thuận cho phép thành viên chuyển nhượng được đưa ra đề xuất bán phần vốn góp cho người không phải là thành viên [mà đề xuất đó] không kém thuận lợi hơn đề xuất [bán phần vốn góp] cho cho thành viên không chuyển nhượng.
Trong một số trường hợp, thời hạn 30 ngày theo quy định tại Điều 52 là không đủ để (1) các thành viên không chuyển nhượng phản hồi đối với đề xuất bán [phần vốn góp] do thành viên chuyển nhượng đưa ra và (2) các bên đạt được sự chấp thuận cần thiết (ví dụ: thông báo đáp ứng điều kiện mua phần vốn góp (M&A Approval) hoặc thông báo tập trung kinh tế) để hoàn tất việc chuyển nhượng.
Trong trường hợp thỏa thuận quyền được cùng bán và quyền buộc bán cùng, thành viên không chuyển nhượng có thể tham gia vào giao dịch bán phần vốn góp cho bên mua thứ ba một cách tự nguyện (đối với quyền được cùng bán) hoặc không tự nguyện (đối với quyền buộc bán cùng). Điều này có thể không phù hợp với Điều 52 vì về mặt ngữ nghĩa, thành viên được cùng bán hoặc thành viên buộc bán cùng sẽ phải chào bán phần vốn góp của mình cho thành viên chuyển nhượng trước khi bán cho bên mua thứ ba. |
Bài viết này được biên soạn bởi Nguyễn Quang Vũ với hỗ trợ nghiên cứu từ Lê Minh Thùy.