Một Số Sửa Đổi Đáng Chú Ý Của Luật Đấu Thầu 2023

Ngày 23 tháng 6 năm 2023, Quốc Hội đã thông qua Luật Đấu Thầu mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2024 (Luật Đấu Thầu 2023). Với nỗ lực thúc đẩy một thị trường cạnh tranh hơn, Luật Đấu Thầu 2023 đã đưa ra các sửa đổi quan trọng về phạm vi áp dụng, hình thức cũng như thủ tục lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư. Bài viết này sẽ tổng hợp một số thay đổi đáng chú ý của Luật Đấu Thầu 2023.

1.         Sửa đổi phạm vi áp dụng

Theo quy định của cả Luật Đấu Thầu 2023 và Luật Đấu Thầu 2013 trước đây, việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện (1) dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, và (2) dự án đầu tư khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành phải tuân theo thủ tục đấu thầu. Luật Đấu Thầu 2023 đã có một số sửa đổi nhất định liên quan đến những trường hợp này.

Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, yêu cầu nêu trên dường như dẫn chiếu đến các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu theo quy định tại Luật Đất Đai mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025 (Luật Đất Đai 2024). Theo Luật Đất Đai 2024, dự án đầu tư có sử dụng đất phải được Hội Đồng Nhân Dân cấp tỉnh quyết định cho phép giao đất, cho thuê đất thông qua thủ tục đấu thầu. Luật Đất Đai 2013 và Luật Đấu Thầu 2013 trước đây không có quy định về điều kiện này.

Đối với dự án đầu tư khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Chính Phủ đã quy định cụ thể tại Nghị Định 23/2024 hướng dẫn Luật Đấu Thầu 2023 danh sách các dự án đầu tư phải đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành. Các dự án này bao gồm, ví dụ, dự án đầu tư cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư, dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Luật Đấu Thầu 2013 chưa có quy định rõ về các dự án theo pháp luật chuyên ngành này. 

2.         Sửa đổi hình thức lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư

Luật Đấu Thầu 2023 cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác ngoài các hình thức được quy định trong Luật Đấu Thầu 2023 với điều kiện hình thức đó phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể (ví dụ: sử dụng phương tiện điện tử hiện đại, bảo đảm cạnh tranh và công bằng). Ngoài ra, Luật Đấu Thầu 2023 đã bãi bỏ hình thức chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư. Hình thức này trước đây được áp dụng theo luật cũ đối với dự án đầu tư chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện.

3.         Sửa đổi thủ tục lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư

Về thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu Thầu 2023, chủ dự án có thể lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu trình người có thẩm quyền phê duyệt tùy theo quy mô, tính chất của dự án. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu bao gồm các nội dung như đánh giá năng lực của chủ dự án; quản lý rủi ro trong đấu thầu; tiến độ thực hiện.

Về thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, Luật Đấu Thầu 2023 yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải công bố dự án đầu tư kinh doanh trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi chuẩn bị hồ sơ mời thầu. Ngoài ra, để được lựa chọn, nhà đầu tư quan tâm và hồ sơ mời thầu phải được đánh giá trên cơ sở một số tiêu chí mới như hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

4.         Các loại hợp đồng mới với nhà thầu

Luật Đấu Thầu 2023 quy định một số loại hợp đồng mới trong quá trình đấu thầu áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Các loại hợp đồng mới bao gồm (i) hợp đồng theo chi phí cộng phí, (ii) hợp đồng theo kết quả đầu ra, (iii) hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm và (iv) hợp đồng hỗn hợp.

5.         Thời gian áp dụng đấu thầu qua mạng

Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, một số hình thức đấu thầu nhất định như (i) đấu thầu rộng rãi, (ii) đấu thầu hạn chế và (iii) chào hàng cạnh tranh phải thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Chính Phủ sẽ hướng dẫn cụ thể về lộ trình, thủ tục đấu thầu qua mạng và các trường hợp không phải đấu thầu qua mạng.

Bài viết này được thực hiện bởi Trần Đức Long và biên tập bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.