Cơ Chế Tính Toán Khung Giá Phát Điện cho các Nhà Máy Điện Mặt Trời/Điện Gió sau FiT

Vui lòng tải về bản pdf tại Đây.

Sau khi chính sách giá mua điện ưu đãi (FiT) đối với các dự án điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam hết hạn, giá bán điện của các nhà máy điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam hiện nay sẽ do các bên đàm phán trong hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng phải nằm trong khung giá phát điện (GPĐ) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với mục tiêu đó, ngày 1 tháng 11 năm 2023, Bộ Công Thương (BCT) đã ban hành Thông Tư 19 quy định phương pháp xây dựng khung GPĐ cho các nhà máy điện mặt trời và điện gió (Thông Tư 19).

Cụ thể, Thông Tư 19 quy định quy trình phải thực hiện hàng năm để tính toán giá trị tối đa của khung GPĐ để trình Bộ Công Thương phê duyệt.

Về cơ bản, Thông Tư 19 áp dụng cho các dự án điện mặt trời/điện gió mới và các dự án điện mặt trời/điện gió hiện có mà cần đàm phán lại GPĐ với Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN). Cụ thể, Thông Tư 19 áp dụng cho các chủ đầu tư của nhà máy điện mặt trời và điện gió (Chủ Đầu Tư), ngoại trừ

·         “Dự Án Chuyển Tiếp” (đây là dự án có PPA đã ký trước khi FiT hết hạn nhưng không đáp ứng được (các) yêu cầu khác để được hưởng FiT, mà đã được thảo luận tại một bài viết trên blog của chúng tôi tại đây); và

·         các dự án đang tồn tại mà GPĐ theo PPA đã ký kết với EVN vẫn đang còn hiệu lực.

Mặc dù Thông Tư 19 không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có vẻ như sẽ có một khung GPĐ riêng cho từng loại nhà máy điện sau:

·         nhà máy điện mặt trời nổi;

·         nhà máy điện mặt trời mặt đất;

·         nhà máy điện gió trong đất liền;

·         nhà máy điện gió trên biển; và

·         nhà máy điện gió ngoài khơi.

Giá trị tối thiểu của khung GPĐ là 0 đồng/kWh và giá trị lớn nhất của khung GPĐ sẽ được tính toán và phê duyệt hàng năm theo quy trình quy định tại Thông Tư 19.

Hệ thống phân loại mới cho các dự án điện gió

Như đã trình bày ở trên, Thông Tư 19 hiện phân loại dự án/nhà máy điện gió thành ba loại, khác với hệ thống phân loại hai loại được áp dụng trước đây theo Quyết Định 39 của Thủ Tướng Chính Phủ ngày 10 tháng 9 năm 2018 (Quyết Định 39). Giá bán điện tối đa theo lý thuyết/pháp luật đối với một dự án điện có thể sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào việc dự án điện của Chủ Đầu Tư thuộc loại nào vì dự án đó sẽ phải áp dụng khung GPĐ tương ứng. Theo quan điểm của chúng tôi, các dự án điện gió hiện tại, trừ khi thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông Tư 19 (ví dụ: GPĐ của dự án đó theo PPA với EVN không còn hiệu lực và cần đàm phán lại), sẽ không bị phân loại lại theo hệ thống mới này của Thông Tư 19.

Bảng sau đây cho thấy sự khác biệt giữa các hệ thống phân loại theo Quyết Định 39 và Thông Tư 19:

Quyết Định 39

Thông Tư 19

Dự án điện gió trong đất liền là các dự án điện gió nối lưới có tuabin điện gió được xây dựng và vận hành trên đất liền và vùng đất ven biển có ranh giới ngoài là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm).

Nhà máy điện gió trong đất liền là nhà máy điện gió nối lưới có tâm của móng tuabin điện gió được xây dựng và vận hành nằm phía trong đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền theo quy định hiện hành.

Dự án điện gió trên biển là dự án điện gió nối lưới có tuabin điện gió được xây dựng và vận hành nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) ra ngoài khơi.

Nhà máy điện gió trên biển là nhà máy điện gió nối lưới có tâm của móng tuabin điện gió được xây dựng và vận hành nằm trong ranh giới giữa (i) đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền theo quy định hiện hành và (ii) đường cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền một khoảng cách tương ứng là 06 hải lý.

 

Nhà máy điện gió ngoài khơi là nhà máy điện gió nối lưới có tuabin điện gió được xây dựng ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý của đất liền.

Dưới đây là một số kết luận then chốt từ những thay đổi trong Thông Tư 19:

·         Loại dự án điện gió trên biển ban đầu theo Quyết Định 39 được chia ra tại ranh giới phía ngoài của khu vực biển 6 hải lý thành hai loại tại Thông Tư 19 là (i) dự án điện gió trên biển và (ii) dự án điện gió ngoài khơi.

·        Mặc dù luật pháp Việt Nam không hoàn toàn rõ ràng về việc đảo có được xem là đất liền hay không, ranh giới được sử dụng để phân loại theo Thông Tư 19 chỉ được tính từ đất liền, chứ không phải các đảo.[1] Điều này có thể gợi ý rằng nếu một dự án được xây dựng gần bờ (hoặc thậm chí trên) một hòn đảo nhưng nằm ngoài vùng biển 6 hải lý của đất liền thì dự án đó vẫn có thể được coi là dự án điện gió ngoài khơi theo Thông Tư 19 . Nếu cơ quan nhà nước cũng hiểu theo cách này, điều này có thể thuận lợi hơn cho các Chủ Đầu Tư (so với hệ thống phân loại trước đây) vì nói chung, GPĐ cho nhà máy điện gió càng xa bờ thì sẽ càng cao.

Các dự án điện 'chuẩn' để xác định khung GPĐ

Giá trị tối đa của khung GPĐ sẽ là GPĐ của các dự án điện mặt trời/điện gió ‘chuẩn’ có liên quan được tính toán theo phương pháp quy định tại Thông Tư 19. Tuy nhiên, các quy định trong Thông Tư 19 có thể gây ra nhiều vấn đề trong việc lựa chọn các dự án chuẩn trên thực tế. Điều này là vì:

·         Thông Tư 19 không làm rõ ai có thẩm quyền quyết định các dự án chuẩn được sử dụng để tính toán GPĐ. Một mặt, Thông Tư 19 yêu cầu EVN đề xuất các dự án chuẩn được sử dụng để tính toán GPĐ trước ngày 1 tháng 11 của năm có liên quan. Mặt khác, Thông Tư 19 quy định rằng EVN có trách nhiệm (tự mình hoặc theo tư vấn của đơn vị tư vấn) lựa chọn các dự án chuẩn. Người ta có thể cho rằng EVN chỉ chịu trách nhiệm lựa chọn các dự án điện mặt trời/điện gió để được đề xuất làm dự án chuẩn; và

·         các tiêu chí cho một dự án chuẩn khá rộng và mơ hồ. Do đó, cách thức và lý do tại sao một dự án được đề cử và lựa chọn làm dự án chuẩn có thể sẽ không được minh bạch.

Đối với các dự án điện mặt trời, giá trị lớn nhất của khung GPĐ sẽ được xác định dựa trên cường độ bức xạ trung bình hàng năm của ba vùng (Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ) của Việt Nam. Do đó, các dự án điện mặt trời chuẩn phải được lựa chọn cụ thể cho các khu vực liên quan.

Phương pháp xác định khung GPĐ

Phương pháp tính toán giá trị lớn nhất của khung GPĐ được minh họa trong sơ đồ bên dưới. Vui lòng tham khảo tài liệu này để biết chi tiết của phương pháp này.

Hình 1. GPĐ tối đa cho nhà máy điện mặt trời

Hình 2. GPĐ tối đa cho nhà máy điện gió

Các vấn đề đáng lưu ý khác

Cần lưu ý rằng theo quy định hiện hành, GPĐ trong PPA liên quan có thể do các bên thương lượng nhưng vẫn phải nằm trong khung GPĐ đã được phê duyệt, ngay cả khi bên mua điện không phải là EVN. [2] Không rõ đây là (i) ý định của người soạn thảo hay là (ii) vấn đề phát sinh từ các quy định chưa được cập nhật từ thời điểm mà, về cơ bản, EVN là bên mua điện chính của các nhà máy điện tại Việt Nam.

Một vấn đề khác là, ngay cả khi có khung GPĐ được phê duyệt, Chủ Đầu Tư có thể khó thoả thuận được GPĐ cụ thể cho dự án của họ với EVN vì (i) Thông Tư 19 không đưa ra hướng dẫn cho việc đó và (ii) trước đây, EVN đã từ chối thoả thuận về GPĐ chính thức cho các Dự Án Chuyển Tiếp dựa trên lý do tương tự.[3] Bộ Công Thương gần đây đã ban hành Thông Tư số 7 ngày 12 tháng 4 năm 2024 trong đó dường như đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi sẽ xem xét kỹ hơn quy định mới này và có thể đề cập trong một bài viết trong tương lai.


[1] Giả định của chúng tôi dựa trên (i) thực tế là Thông Tư 19 đề cập cụ thể và duy nhất đến các đường ranh giới của “đất liền” và (ii) chúng tôi hiểu rằng các quy định về biển của Việt Nam có các đường ranh giới được đo từ đất liền và các đường được đo từ đảo (Ví dụ: Điều 3.3 Nghị Định 11 của Chính Phủ ngày 10 tháng 2 năm 2021 về giao khu vực biển; chú thích của Quyết Định 853 của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường ngày 25 tháng 4 năm 2022 công bố đường ranh giới ngoài của vùng biển 03 hải lý, vùng biển 06 hải lý của đất liền).

[2] Điều 31.3 Luật Điện Lực của Quốc Hội ngày 3 tháng 12 năm 2004 như đã được sửa đổi bổ sung.

[3] Nguồn: https://tuoitre.vn/31-3-lieu-evn-co-dam-phan-xong-gia-dien-gio-mat-troi-2023033009552301.htm