NGHỊ ĐỊNH 46/2017 – CÁC ĐIỀU KIỆN MỚI ĐỐI VỚI VIỆC THÀNH LẬP TRƯỜNG HỌC TẠI VIỆT NAM

Kể từ ngày 21 tháng 4 năm 2017, Nghị Định 46/2017 đưa ra các điều kiện mới trong việc thành lập trường học trong nước từ bậc mẫu giáo cho tới đại học. Các điều kiện mới thay thế cho các văn bản khác nhau về cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, các điều kiện này lại không được áp dụng đối với các trường học có vốn đầu tư nước ngoài (Trường Học Có VĐTNN). Thêm vào đó, các trường học được thành lập trước ngày 21 tháng 4 năm 2017 không cần phải tuân thủ quy định mới và trong nhiều trường hợp là các điều kiện nghiêm ngặt hơn. Bảng dưới đây tóm tắt một số điều kiện chính đối với việc thành lập một trường học trong nước theo quy định cũ, Trường Học Có VĐTNN, và trường học trong nước theo Nghị Định 46/2017.

THAY ĐỔI TRONG QUY ĐỊNH VỀ VISA DÀI HẠN ĐỔI VỚI NGƯỚI NƯỚC NGOÀI LÀ GIÁM ĐỐC/NHÀ QUẢN LÝ Ở CÁC CÔNG TY VIỆT NAM

Theo Luật Nhập Cảnh, Xuất Cảnh, Quá Cảnh, Cư Trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, “nhà đầu tư nước ngoài” có thể được cấp visa dài hạn (hoặc thẻ tạm trú) có thời hạn lên đến 5 năm. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là các công ty mà không phải là các cá nhân. Về cơ bản, một cá nhân là người đại diện của một công ty nước ngoài không được coi là nhà đầu tư nước ngoài và dó đó sẽ không đủ điều kiện để được cấp visa dài hạn ở Việt Nam. Trước đây, người đại diện của công ty nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam có thể xin cấp loại visa dài hạn áp dụng cho người nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư. Hiện tại, quy định đó đã không còn hiệu lực. Theo đó, những người nước ngoài là giám đốc/nhà quản lý trong các công ty Việt Nam, đã được cấp loại visa dài hạn áp dụng đối với người đại diện của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty Việt Nam, hiện tại chỉ có thể xin cấp loại visa có thời hạn ngắn hơn (3 năm) áp dụng đối với người nước ngoài là người lao động trong các công tyViệt Nam.

QUYỀN NHẬP KHẨU THAN CỦA DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Theo Công văn 2179 (tháng 10/2016) của Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương (GDE) trả lời Tổng cục Hải quan về việc nhập khẩu than, theo đó các dự án điện của các Tập đoàn và các doanh nghiệp nếu muốn nhập khẩu than trực tiếp sẽ cần phải xin được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Để làm rõ cho hướng dẫn trên, trong Công văn của mình, Tổng cục Năng lượng nêu ra 2 cơ sở sau:

·             Theo quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh than là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; và

·       Theo hướng dẫn của Thủ tướng trong Thông báo số 346 ngày 28/6/2014 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện nhập khẩu than. Cụ thể, trong thông báo này, Thủ tướng đề xuất rằng các dự án điện của các Tập đoàn và các doanh nghiệp phải nhập khẩu than thông qua đầu mối nhập khẩu là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hoặc doanh nghiệp than thuộc sở hữu Nhà nước.

Có kẽ hở trong cả hai cơ sở trên. Đối với cơ sở thứ nhất, cỏ vẻ như là Tổng cục Năng lượng đã nhầm lẫn giữa việc nhập khẩu than là một phần của quá trình sản xuất (ví dụ doanh nghiệp nhập khẩu than để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện) và nhập khẩu than là một phần của hoạt động kinh doanh (ví dụ doanh nghiệp nhập khẩu than để bán). Có thể thấy các quy định về hàng hóa kinh doanh có điều kiện của pháp luật về đầu tư là nhằm để điều chỉnh hoạt động thứ 2 - hoạt động kinh doanh.   

Về cở sở thứ hai, việc chỉ định doanh nghiệp phải sử dụng than từ các doanh nghiệp Nhà nước được chỉ định đã trái với nguyên tắc Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo Điều 10.1 luật Đầu tư 2014. Điều khoản này quy định “Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước.”

THÀNH LẬP VĂN PHÒNG DAI DIỆN TẠI VIỆT NAM

Nếu một công ty nước ngoài có kế hoạch thu thập thông tin và nghiên cứu thị trường Việt Nam về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ nào đó và mong muốn có một đầu mối liên lạc tại Việt Nam thì ngoài việc đăng ký thành lập một công ty theo Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, các công ty nước ngoài có thể cân nhắc thành lập một văn phòng đại diện theo Luật Thương mại 2005 và Nghị định 07/2016. Những điểm thuận lợi khi thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam là:

·                     Thời gian và thủ tục thành lập một văn phòng đại diện ngắn và đơn giản hơn so với thành lập một công ty có vốn đầu tư nước ngoài;

·                     Văn phòng đại diện có thể được điều hành và quản lý bởi một nhân viên (Trưởng văn phòng đại diện); và

·                     Điều hành một văn phòng đại diện sẽ đơn giản, ít tốn kém chi phí hơn vì văn phòng đại diện không thuộc đối tượng phải kê khai thuế, chuẩn bị cáo tài chính, chuẩn bị và nộp báo cáo lao động, báo cáo đầu tư. Thông thường, một văn phòng đại diện chỉ cần nộp báo cáo hoạt động hàng năm trước ngày làm việc cuối cùng của tháng 1 năm kế tiếp.

Tuy nhiên, việc điều hành thông qua một văn phòng đại diện có một số nhược điểm:

·                     Văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân;

·                     Thời gian hoạt động tối đa của văn phòng đại diện là 5 năm (có thể gia hạn thêm); và

·                     Văn phòng đại diện không được phép ký kết hợp đồng mua bán hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh khác.

Các tài liệu cần thiết để thành lập một văn phòng đại diện bao gồm:

·                     Giấy chứng nhận thành lập công ty và/hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty nước ngoài;

·                     Báo cáo tài chính có kiểm toán của năm trước liền kề hoặc tài liệu tương đương từ cơ quan thuế có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng minh sự tồn tại và hoạt động của  công ty nước ngoài;

·                     Hộ chiếu của Trưởng văn phòng đại diện;

·                     Sơ yếu lý lịch của Trưởng văn phòng đại diện;

·                     Quyết định bổ nhiệm Trưởng văn phòng đại diện;

·                     Hợp đồng thuê văn phòng (hoặc thỏa thuận nguyên tắc cho thuê văn phòng) về vị trí của văn phòng đại diện; và

·                     Tài liệu chứng minh quyền sở hữu, điều kiện an toàn và các vấn đề khác có liên quan về địa điểm đặt văn phòng của chủ sở hữu.