QUY ĐỊNH MỚI VỀ KIỂM SOÁT CUNG CẤP THÔNG TIN QUA BIÊN GIỚI Ở VIỆT NAM

Từ tháng 5/2017, theo Thông tư 28/2016, các trang thông tin điện tử, ứng dụng trên mạng, dịch vụ tìm kiếm và mạng xã hội (các trang thông tin điện tử nước ngoài), mà máy chủ được đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có lượng truy cập từ người sử dụng tại Việt Nam từ 01 (một) triệu lượt trở lên trong 01 (một) tháng, hoặc có máy chủ đặt tại Việt Nam sẽ phải:

  • thông báo thông tin liên hệ cần thiết cho Bộ Thông tin và Truyền thông (MCI); và
  • theo đề nghị của MCI, gỡ bỏ các thông tin và tin tức được coi là bất hợp pháp theo pháp luật Việt Nam trên các trang thông tin điện tử nước ngoài. Nếu các trang thông tin điện tử nước ngoài không hợp tác với MCI, MCI có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn các thông tin và tin tức bất hợp pháp được truyền tới người sử dụng Việt Nam.

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam phải có các thiết bị kỹ thuật cần thiết để thực hiện lệnh gỡ bỏ hoặc ngăn chặn của MCI trong vòng 3 giờ sau khi nhận lệnh. Thông tư 38/2016 sẽ áp dụng đối với hầu hết các mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam như Facebook, Google, và Youtube.

THAY ĐỔI TRONG QUY ĐỊNH VỀ VISA DÀI HẠN ĐỔI VỚI NGƯỚI NƯỚC NGOÀI LÀ GIÁM ĐỐC/NHÀ QUẢN LÝ Ở CÁC CÔNG TY VIỆT NAM

Theo Luật Nhập Cảnh, Xuất Cảnh, Quá Cảnh, Cư Trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, “nhà đầu tư nước ngoài” có thể được cấp visa dài hạn (hoặc thẻ tạm trú) có thời hạn lên đến 5 năm. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là các công ty mà không phải là các cá nhân. Về cơ bản, một cá nhân là người đại diện của một công ty nước ngoài không được coi là nhà đầu tư nước ngoài và dó đó sẽ không đủ điều kiện để được cấp visa dài hạn ở Việt Nam. Trước đây, người đại diện của công ty nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam có thể xin cấp loại visa dài hạn áp dụng cho người nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư. Hiện tại, quy định đó đã không còn hiệu lực. Theo đó, những người nước ngoài là giám đốc/nhà quản lý trong các công ty Việt Nam, đã được cấp loại visa dài hạn áp dụng đối với người đại diện của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty Việt Nam, hiện tại chỉ có thể xin cấp loại visa có thời hạn ngắn hơn (3 năm) áp dụng đối với người nước ngoài là người lao động trong các công tyViệt Nam.

QUYỀN NHẬP KHẨU THAN CỦA DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Theo Công văn 2179 (tháng 10/2016) của Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương (GDE) trả lời Tổng cục Hải quan về việc nhập khẩu than, theo đó các dự án điện của các Tập đoàn và các doanh nghiệp nếu muốn nhập khẩu than trực tiếp sẽ cần phải xin được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Để làm rõ cho hướng dẫn trên, trong Công văn của mình, Tổng cục Năng lượng nêu ra 2 cơ sở sau:

·             Theo quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh than là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; và

·       Theo hướng dẫn của Thủ tướng trong Thông báo số 346 ngày 28/6/2014 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện nhập khẩu than. Cụ thể, trong thông báo này, Thủ tướng đề xuất rằng các dự án điện của các Tập đoàn và các doanh nghiệp phải nhập khẩu than thông qua đầu mối nhập khẩu là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hoặc doanh nghiệp than thuộc sở hữu Nhà nước.

Có kẽ hở trong cả hai cơ sở trên. Đối với cơ sở thứ nhất, cỏ vẻ như là Tổng cục Năng lượng đã nhầm lẫn giữa việc nhập khẩu than là một phần của quá trình sản xuất (ví dụ doanh nghiệp nhập khẩu than để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện) và nhập khẩu than là một phần của hoạt động kinh doanh (ví dụ doanh nghiệp nhập khẩu than để bán). Có thể thấy các quy định về hàng hóa kinh doanh có điều kiện của pháp luật về đầu tư là nhằm để điều chỉnh hoạt động thứ 2 - hoạt động kinh doanh.   

Về cở sở thứ hai, việc chỉ định doanh nghiệp phải sử dụng than từ các doanh nghiệp Nhà nước được chỉ định đã trái với nguyên tắc Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo Điều 10.1 luật Đầu tư 2014. Điều khoản này quy định “Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước.”

TƯ CÁCH PHÁP NHÂN CỦA QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Theo pháp luật Việt Nam, một quỹ đầu tư chứng khoán (Quỹ Đầu Tư) mà không được tổ chức như một công ty cổ phần được công nhận là tổ chức kinh tế nhưng nó lại không có tư cách pháp nhân.

Thứ nhất, Quỹ Đầu Tư có thể được coi là một tổ chức theo Luật Chứng Khoán vì những lý do sau:

·         Đối tượng áp dụng của Luật Chứng Khoán bao gồm cả tổ chức và cá nhân (Điều 2 Luật Chứng khoán 2006). “Quỹ đầu tư chứng khoán” là quỹ hình thành vốn góp của các nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản. Vì Quỹ Đầu Tư không phải là cá nhân và phải tuân thủ Luật Chứng Khoán nên quỹ này nên được coi như là một tổ chức.

·         Theo Điều 22.3 Luật Đầu Tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ trường hợp đầu tư vào Quỹ Đầu Tư thuộc các trường hợp phải tuân thủ giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật chứng khoán. Quy định trên đã công nhận Quỹ Đầu Tư là một tổ chức kinh tế.

Về tư cách pháp nhân, Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định:

·         Để một tổ chức được công nhận là pháp nhân, ngoài việc thỏa mãn các điều kiện khác, một trong những điều kiện tiên quyết là tổ chức đó có khả năng nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Việc Quỹ Đầu Tư có thể thỏa mãn điều kiện trên hay không là không rõ ràng bởi vì Quỹ Đầu Tư không có đại diện theo pháp luật là cá nhân để tham gia vào các giao dịch đại diện cho Quỹ Đầu tư như đói với một công ty thông thường. Thay vào đó, tất cả các hoạt động của Quỹ Đầu Tư được thực hiện thông qua đại diện theo ủy quyền là công ty quản lý quỹ. Theo Phụ lục 9 Thông tư 212/2012, Bộ Tài Chính (MOF) đã phân loại Quỹ Đầu Tư thành hai nhóm bao gồm: quỹ có tư cách pháp nhân (bao gồm công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ, công ty đầu tư chứng khoán bất động sản); và quỹ không có tư cách pháp nhân (bao gồm quỹ đóng, quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ ETF, quỹ thành viên).

Cho đến hiện tại, tư cách pháp nhân của Quỹ Đầu Tư vẫn là vấn đề chưa rõ ràng trong pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Quỹ Đầu Tư nên được công nhận tư cách pháp nhân dựa trên các cơ sở sau:

·         Quỹ Đầu Tư có tài sản độc lập và điều lệ riêng;

·         Nhà đầu tư của Quỹ Đầu Tư sở hữu quỹ thông qua giấy chứng nhận quỹ và có quyền hưởng lợi nhuận của quỹ tương đương với số vốn góp; và

·         Trong thực tế, Quỹ Đầu Tư có đủ tư cách để nhân danh chính mình tham gia vào các giao dịch khác nhau thông qua các hoạt động của “pháp nhân ủy quyền” – công ty quản lý quỹ.

Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Bích Ngọc - luật sư cộng sự tại Venture North Law.