BA VẤN ĐỀ VỀ CHỦ NỢ CÓ BẢO ĐẢM TRONG TRƯỜNG HỢP DOANH NGHIỆP PHÁ SẢN

Nhìn chung, chủ nợ có bảo đảm sẽ có các quyền ưu tiên đối với tài sản của doanh nghiệp so với chủ nợ không có bảo đảm khi doanh nghiệp phá sản. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ Luật Phá Sản Việt Nam, quyền ưu tiên này cũng có cái giá của nó. Cụ thể:

·         Nếu trong hội nghị chủ nợ, các chủ nợ (bao gồm chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ không có bảo đảm) có quyền quyết định sử dụng tài sản bảo đảm để phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản thì chủ nợ có bảo đảm hoàn toàn không có quyền quyết định đối với tài sản cho mãi tới khi hội nghị chủ nợ kết thúc. Việc các chủ nợ có bảo đảm không có quyền bỏ phiếu trong hội nghị chủ nợ đã khiến cho các chủ nợ này bị mất ưu thế so với các chủ nợ không có bảo đảm;

·         Nếu chủ nợ có bảo đảm đã tiến hành xử lý tài sản bảo đảm và giá trị các tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị khoản nợ của doanh nghiệp thì đáng ra lúc này chủ nợ có bảo đảm nên được coi là chủ nợ không có bảo đảm. Tuy nhiên, pháp luật Phá sản không quy định rõ trường hợp chủ nợ có bảo đảm được coi là chủ nợ không có bảo đảm đối với doanh nghiệp phá sản. Luật Phá sản cho phép chủ nợ có bảo đảm một phần được tham gia hội nghị chủ nợ. Thế nhưng việc phân loại chủ nợ (bao gồm phân loại thành chủ nợ có bảo đảm một phần) lại diễn ra quá sớm trong quy trình phá sản. Ngoài ra, luật cũng không quy định cụ thể về thủ tục sửa đổi danh sách chủ nợ trong trường hợp tài sản bảo đảm đã được xử lý; và

·         Một quyết định tại hội nghị chủ nợ có giá trị ràng buộc các bên được thông qua khi (i) quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và (ii) số chủ nợ không có bảo đảm trong hội nghị chủ nợ đại diện cho ít nhất 65% tổng số nợ không có bảo đảm. Như vậy, dựa vào câu chữ của luật, chủ nợ không có bảo đảm một phần không có quyền bỏ phiếu trong hội nghị chủ nợ. Không rõ vì sao Luật Phá Sản 2014 lại có quy định như vậy. Bởi lẽ việc tính phiếu bầu trong hội nghị chủ nợ nên được dựa trên khoản nợ không có bảo đảm chứ không phải dựa trên số lượng chủ nợ không có bảo đảm.

Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Hoàng Duy - luật sư cộng sự tại Venture North Law. 

ĐIỂM MỚI VỀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG CÓ YÊU TỐ NƯỚC NGOÀI

Bộ Luật Dân Sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã đưa ra nguyên tắc mới về lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt với hợp đồng có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Theo đó, các bên trong hợp đồng sẽ có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài là pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, ngoại trừ các trường hợp sau đây:

·         Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Bộ Luật Dân Sự 2015 đưa ra một số nguyên tắc cơ bản của Pháp Luật Dân Sự Việt Nam, những nguyên tắc này được coi là một phần trong số các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;

·         Không xác định được nội dung của pháp luật nước ngoài mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng (hoặc các nguyên tắc tố tụng khác). Không rõ liệu quy định này có hạn chế việc tìm kiếm các nguồn luật nước ngoài hoặc áp dụng cho việc giải thích pháp luật nước ngoài hay không. Mặt khác, theo Bộ Luật Dân Sự 2015, trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó. Như vậy, nếu một luật sư nước ngoài cung cấp và giải thích bằng chứng dựa trên cơ sở pháp luật nước ngoài sẽ có khả năng không được chấp nhận ở Việt Nam;

·         Hợp đồng liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam nếu bất động sản đó được đặt tại Việt Nam;

·         Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng áp dụng pháp luật Việt Nam trong trường hợp pháp luật nước ngoài do các bên lựa chọn ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam;

·         Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý. Bộ Luật Dân Sự 2015 không giải thích thế nào là “người thứ ba được hưởng”. Điều này dẫn đến những cách hiểu không rõ ràng là bên thứ ba được hưởng có thể là bất kỳ cá nhân nào hay phải là bên được chỉ định cụ thể trong hợp đồng.

Ngoài ra, Bộ Luật Dân Sự 2015 cũng đã quy định về trường hợp “pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng.” Theo đó, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với với hợp đồng sẽ được áp dụng.

BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 - PHẠM VI ÁP DỤNG KHÔNG RÕ RÀNG

Bộ Luật Dân Sự 2015 (BLDS 2015)  có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2017, có khả năng làm thay đổi đáng kể khung pháp lý của Việt Nam. BLDS 2015 áp dụng cho quan hệ giữa cá nhân và/hoặc pháp nhân được hình thành trên cơ sở (1) bình đẳng, (2) tự do ý chí, (3) độc lập về tài sản và (4) tự chịu trách nhiệm (quan hệ dân sự). Đây là thay đổi đáng kể về phạm vi điều chỉnh của BLDS 2015 so với BLDS 2005 (phạm vi điều chỉnh của BLDS 2005 bao gồm các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động). Có một số vấn đề phát sinh từ sự thay đổi trên:

·         Định nghĩa mới về quan hệ dân sự đòi hỏi một quan hệ dân sự phải đáp ứng cả bốn yếu tố trên. Nếu một quan hệ dân sự thiếu đi bất kỳ yếu tố nào trong bốn yếu tố thì có khả năng quan hệ đó sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS 2015. Có vẻ như định nghĩa mới không được hợp lý vì BLDS 2015 chứa đựng nhiều điều khoản về các giao dịch dân sự không đầy đủ bốn yếu tố trên (ví dụ giao dịch vô hiệu do bị lừa dối hoặc cưỡng ép); và

·         Không rõ liệu Bộ Luật Dân Sự 2015 sẽ tiếp tục áp dụng cho các quan hệ hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động giống như Bộ Luật Dân Sự 2005 nữa hay không.

Vấn đề trên được đặt ra bởi Tiến sĩ Đỗ Văn Đại trong cuốn sách bình luận khoa học những điểm mới của Bộ Luật Dân Sự 2015. 

VIỆT NAM GIA NHẬP CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ (CISG)

Tháng 12/2015, Việt Nam đã chính thức phê duyệt và trở thành thành viên thứ 84 của Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng Mua bán Hàng hóa Quốc tế. Công ước Viên bắt đầu có hiệu lực ràng buộc tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017. Việt Nam bảo lưu các điều khoản về hình thức của hợp đồng thuộc Điều 11, Điều 29 và Phần II của CISG. Bởi Việt Nam là một nước có các hoạt động kinh doanh sôi động, từ khía cạnh pháp lý, CISG sẽ có tác động lớn đến tất cả các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia khác cũng là thành viên của CISG (ví dụ như Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ).

Về việc áp dụng CISG, trong mối tương quan với luật Thương mại 2005, trong trường hợp các quy định của CISG không phù hợp với các quy định của luật Thương mại 2005, các quy địnhcủa CISG sẽ được ưu tiên áp dụng. Do đó, nếu một hợp đồng mua bán hàng hóa có sự tham gia của một bên Việt Nam và các bên của hợp đồng không thỏa thuận loại trừ CISG một cách rõ ràng thì CISG sẽ được áp dụng. Một điểm quan trọng mà các luật sư hành nghề ở Việt Nam hiện tại cần phải cân nhắc đó là nên loại trừ hay áp dụng các điều khoản của CISG trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Ngoài ra, trong trường hợp lựa chọn áp dụng CISG, các bên của hợp đồng cũng nên suy xét về việc lựa chọn bản dịch CISG phù hợp vì CISG có nhiều bản dịch chính thức khác nhau.