HẠN CHẾ VỀ NGUYÊN TẮC NGƯỜI MUA PHẢI CẨN TRỌNG (CAVEAT EMPTOR) THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM 2015

Theo Black’s Law Dictionary (tái bản lần thứ 6, trang 152), “Caveat emptor” có nghĩa là “Người mua hàng hãy cẩn trọng” (“Let the buyer aware”). Nói cách khác, người mua hàng phải xem xét, đánh giá, kiểm tra hàng hóa vì lợi ích của mình và phải chịu trách nhiệm về hàng hóa đã nhận và không thể truy đòi người bán nếu sản phẩm bị lỗi hay hư hỏng.

Bộ Luật Dân Sự 2015 về căn bản đã hạn chế nguyên tắc Caveat Emptor ở Việt Nam. Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định rằng một bên trước khi giao kết hợp đồng có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên kia trong trường hợp thông tin đó ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia. Bên vi phạm quy định trên mà gây thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Mặt khác, nguyên tắc Caveat Emptor thông thường không yêu cầu bên bán phải cung cấp thông tin về hàng hóa của bên bán cho bên mua trừ khi bên mua yêu cầu cung cấp thông tin đó một cách rõ ràng (ví dụ bằng cách yêu cầu cam đoan trong hợp đồng).

Trước Bộ Luật Dân Sự 2015, Luật Thương Mại 2005 cũng quy định bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết này không thể được phát hiện bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua. Hàng hóa, theo Luật Thương Mại 2005, có thể bao gồm nhiều loại tài sản như bất động sản và cổ phiếu, hoặc các loại chứng khoán khác. 

HỢP ĐỒNG TIÊU DÙNG Ở VIỆT NAM (CONSUMER CONTRACTS)

“Người tiêu dùng” được định nghĩa là “người mua hoặc sử dụng hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Thuật ngữ “người” ở đây được hiểu là cá nhân hoặc tổ chức. Dó đó một tổ chức, theo pháp luật Việt Nam, cũng được coi là người tiêu dùng. Sự khác biệt duy nhất đó là người tiêu dùng sử dụng hàng hóa cho mục đích tiêu dùng. Trong khi đó, đối với một chủ thể kinh doanh, việc mua hàng hóa đầu vào trong quá trình hoạt động để cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng được coi là có “mục đích tiêu dùng” hoặc “mục đích kinh doanh”.

Nếu một hợp đồng được giao kết giữa hai chủ thể kinh doanh được xem như hợp đồng tiêu dùng thì những điều khoản sau đây (nếu được quy định trong hợp đồng) sẽ không có hiệu lực:

·         Điều khoản loại trừ trách nhiệm của thương nhân;

·        Điều khoản hạn chế,  hoặc loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;

·        Điều khoản cho phép thương nhân đơn phương thay đổi điều kiện hợp đồng đã thỏa thuận trước vớingười tiêu dùng; hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng;

·         Điều khoản cho phép thương nhận đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ;

·         Điều khoản cho phép thương nhân quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

·        Điều khoản cho phép thương nhân giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau;

·        Điều khoản băt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình; và

·       Điều khoản cho phép thương nhân chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của người tiêu dùng.

 Nhiều điều khoản được sử dụng phổ biến trong hợp đồng kinh doanh nhưng lại bị cấm sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng. Bởi vậy, việc xác định loại hợp đồng được ký kết giữa các chủ thể kinh doanh là hợp đồng kinh doanh hay hợp đồng tiêu dùng là rất cần thiết.

 

CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG DO HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN (HARDSHIP CIRCUMSTANCE)

Bộ Luật Dân sự 2015 cho phép một bên có lợi ích bị ảnh hưởng của hợp đồng có quyền (i) yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng; hoặc bằng cách khác (ii) yêu cầu tòa án ra quyết định chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.  Một hoàn cảnh được viện dẫn là hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi thỏa mãn các điều kiện sau:

·         Có sự thay đổi hoàn cảnh do các nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi hợp đồng được giao kết;

·         Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

·         Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên dự liệu trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

·         Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không thay đổi nội dung của hợp đồng sẽ gây ra tổn thất và thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; và

·         Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết bằng hết khả năng của mình và phù hợp với tính chất của hợp đồng nhưng vẫn không thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

 Bộ Luật dân sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2017, do đó các bên của hợp đồng nên bắt đầu cân nhắc về khả năng loại trừ điều khoản hardship. 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CÓ THỂ ỦY QUYỀN VIỆC BÁN TRỰC TIẾP CỔ PHẦN NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN CHƯA NIÊM YẾT?

Theo Nghị định 91/2015 và Công văn số 10791 của Bộ Tài chính (BTC) vào tháng 8/2016, hiện không rõ liệu Thủ tướng có thể ủy quyền việc bán cổ phần Nhà nước trong công ty cổ phần chưa niêm yết cho một nhà đầu tư tư nhân mà không cần tổ chức đấu giá cổ phần công khai trước tiên hay không. Thực tế, nhiều nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư muốn có quyền kiểm soát hoặc nắm giữ cổ phần chi phối trong công ty cổ phần của Nhà nước) mong muốn có thể thỏa thuận trực tiếp với bên bán hơn là phải trải qua một quá trình đấu giá công khai phức tạp.

Trước đây, Nghị định 71/2013 quy định đối với công ty cổ phần chưa niêm yết (phần lớn thuộc sở hữu của Nhà nước), nếu (1) chỉ có một người mua đăng ký mua cổ phần của Nhà nước hoặc (2) Thủ tướng ủy quyền bằng văn bản thì sau đó bên bán có thể bán cổ phần thông qua đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư". Vì vậy, việc Thủ tướng có thể ủy quyền bán trực tiếp cổ phần nhà nước trong công ty cổ phần chưa niêm yết mà không thông qua đấu giá công khai là khá rõ ràng.

Nghị định 91/2015 thay thế Nghị định 71/2013 cho phép bán cổ phần thông qua đàm phán trực tiếp giữa bên bán (Nhà nước) và các nhà đầu tư trong trường hợp việc bán theo lô bằng cách đấu giá công khai không thành công (trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua hoặc Thủ tướng ủy quyền bán bằng văn bản). Những từ ngữ được đặt trong dấu ngoặc dẫn đến các cách hiểu khác nhau:

·         Hướng giải thích đầu tiên là Thủ tướng chỉ có thể cho phép đàm phán trực tiếp để bán cổ phần nhà nước sau khi bán theo lô thông qua đấu giá công khai không thành công. Cách giải thích trên xuất phát từ câu "Thủ tướng Chính phủ ủy quyền bán bằng văn bản” được đặt trong dấu ngoặc đơn. Theo đó, điều này sẽ hạn chế thẩm quyền của Thủ tướng đối với việc ủy quyền bán trực tiếp cổ phần nhà nước trước khi đấu giá công khai; và

·         Hướng giải thích thứ hai cho rằng dấu ngoặc đã được đặt sai vị trí mà đúng ra phải đặt dấu ngoặc sau từ "mua". Điều này được lý giải là vì các từ được đặt trong ngoặc đơn có nhiệm vụ  giải thích nguyên nhân dẫn đến việc tiến hành bán theo lô theo phương thức đấu giá công khai không thành công. Và việc ủy quyền của Thủ tướng không thể dẫn đến thất bại khi tiến hành bán theo lô theo phương thức đấu giá công khai. Hướng giải thích này đồng thời cũng phù hợp với các quy định về bán cổ phần nhà nước theo lô theo Quyết định 41/2015 của Thủ tướng Chính phủ và thực tế ở Việt Nam Thủ tướng thường có nhiều quyền hạn khi xử lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước (hoặc bị chi phối bởi phần vốn nhà nước).

Tuy nhiên, mới đây Bộ Tài chính đã trình Công văn lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ Tài chính đã đưa ra giải thích về những điều khoản có liên quan tại Nghị định 91/2015, Bộ Tài chính đã nhiều lần trích dẫn chính xác các từ ngữ của Nghị định 91/2015. Điều này cho thấy Bộ Tài chính không cho rằng vị trí đặt dấu ngoặc thứ hai là lỗi soạn thảo. Nội dung của Công văn cũng cho thấy rằng Thủ tướng không còn quyền hạn một cách rõ ràng như trước để ủy quyền bán trực tiếp cổ phần nhà nước trước khi đấu giá công khai.

Bài viết được đóng góp bởi Mai Chi, một thành viên của VILAF.