CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ NỢ XẤU MỚI CỦA VIỆT NAM
Quốc hội vừa thông qua một nghị quyết quan trọng về việc xử lý các khoản nợ xấu (Nợ Xấu) của các tổ chức tín dụng (Nghị Quyết XLNX). Nghị Quyết XLNX có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2017. Nghị Quyết XLNX chỉ áp dụng đối với (1) Nợ Xấu phát sinh trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 hoặc (2) Nợ Xấu phát sinh từ ngày 15 tháng 8 năm 2017 từ các khoản vay được gia hạn trước ngày 15 tháng 8 năm 2017. Nghị Quyết XLNX không làm rõ liệu một tổ chức tín dụng có thể tiếp nhận nợ xấu từ các chủ thể khác không phải là ngân hàng và sử dụng các quyền hạn theo Nghị Quyết XLNX để xử lý các khoản Nợ Xấu đó hay không.
Nghị Quyết XLNX đưa ra một số biện pháp quan trọng để xử lý nợ xấu như sau:
· Một tổ chức tín dụng có thể bán Nợ Xấu theo giá thị trường với mức giá có thể thấp hơn nợ gốc của khoản Nợ Xấu. Có vẻ như là Nghị Quyết XLNX ngụ ý rằng, các tài sản bảo đảm của khoản Nợ Xấu chỉ có thể được bán với giá thấp hơn số nợ gốc của khoản Nợ Xấu. Tuy nhiên, sẽ là bất hợp lý khi so sánh giá trị của tài sản bảo đảm với số nợ gốc của khoản Nợ Xấu.
· VAMC có thể mua các khoản Nợ Xấu của các ngân hàng với giá được xác định bởi một tổ chức định giá độc lập theo thỏa thuận giữa VAMC và các ngân hàng bán nợ.
· Một tổ chức tín dụng có thể trực tiếp thu giữ các tài sản bảo đảm của khoản Nợ Xấu thuộc quyền chiếm hữu của bên vay hoặc một bên thứ ba nếu hợp đồng bảo đảm cho phép. Việc thu giữ tài sản có thể được hỗ trợ bởi các cơ quan nhà nước địa phương, bao gồm cả cảnh sát. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng phải (1) thực hiện việc thông báo trước về việc thu giữ tài sản, (2) đăng ký giao dịch bảo đảm liên quan tới tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật, (3) đảm bảo không có bất kỳ tranh chấp nào liên quan tới các tài sản bảo đảm trước thời điểm thu giữ. Trước khi có Nghị Quyết XLNX, một tổ chức tín dụng không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
· Tòa án có thể áp dụng các thủ tục tố tụng rút gọn để giải quyết các vụ việc liên quan tới nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm hoặc các quyền xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng nếu (1) hợp đồng quy định rõ về nghĩa vụ, và (2) giao dịch bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật. Trước khi có Nghị Quyết XLNX, tranh chấp liên quan tới việc xử lý tài sản bảo đảm không được tự động áp dụng giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn theo quy định tại Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự.
· Một chủ thể tiếp nhận một khoản Nợ Xấu được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất có quyền tiếp tục duy trì biện pháp bảo đảm. Quy đinh này nhằm vượt qua hạn chế theo quy định của Luật Đất Đai 2013 về việc quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất chỉ có thể được thế chấp tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
· Sau 15 tháng 8 năm 2022, việc chuyển nhượng, thu giữ hoặc giải quyết vụ án của Tòa trong thời hạn có hiệu lực của Nghị Quyết XLNX được tiếp tục thực hiện.