MUA CỔ PHIẾU TỪ MỘT CÁ NHÂN Ở VIỆT NAM

Khi mua cổ phiếu niêm yết của một công ty cổ phần đại chúng (CTCP Đại Chúng) từ một cá nhân bán cổ phiếu thông qua tài khoản chứng khoán của người đó, người mua sẽ không phải xác định quyền bán của cá nhân đó đối với số cổ phần đã niêm yết theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014 nếu:

·           cổ phiếu niêm yết không phải là nguồn thu nhập chính của người bán và vợ/chồng của người đó (nếu người bán đã kết hôn); và

·           người mua là một người mua ngay tình không biết và không phải biết rằng người bán đã kết hôn hoặc không có quyền bán số cổ phiếu niêm yết đó theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014.

Điều này là vì Điều 32.1 của Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014 quy định rằng, người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được xem là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến số tiền hoặc chứng khoán trong tài khoản đó với người thứ ba ngay tình.

Khi mua cổ phiếu chưa niêm yết của một CTCP Đại Chúng từ một cá nhân, người mua nên yêu cầu người bán cung cấp bằng chứng người đó có quyền định đoạt đối với số cổ phần đó theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014. Điều này là vì:

·           Luật Chứng Khoán 2006 yêu cầu cổ phiếu của một CTCP Đại Chúng cần phải đăng ký với Trung Tâm Lưu Ký Chứng Khoán Việt Nam (VSD). Thủ tục đăng ký chứng khoán với VSD là để ghi nhận quyền sở hữu của người sở hữu chứng khoán. Do đó, cổ phiếu của một CTCP Đại Chúng có thể được xem là động sản phải đăng ký quyền sở hữu; và

·           Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014 yêu cầu việc định đoạt động sản phải đăng ký quyền sở hữu cần có sự đồng ý của cả vợ và chồng.

Bằng chứng thể hiện quyền bán cổ phiếu, theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014, có thể bao gồm bằng chứng về việc:

·           người bán chưa kết hôn;

·           vợ hoặc chồng của người bán đã đồng ý với giao dịch mua bán đó; hoặc

·           cổ phiếu bán thuộc sở hữu riêng của người bán, không phải là tài sản thuộc sở hữu chung của người bán với vợ/chồng của người đó.

Theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014, không rõ là liệu người mua cổ phiếu chưa niêm yết của một công ty cổ phần chưa đại chúng từ một cá nhân có cần yêu cầu người bán cung cấp bằng chứng về quyền bán đối với số cổ phiếu chưa niêm yết đó hay không. Điều này là vì:

·           không rõ là liệu cổ phiếu trong một CTCP chưa Đại Chúng có được xem là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hay không. Một mặt, theo Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2014, thông tin về cổ đông của một công ty cổ phần phải được ghi tại sổ đăng ký cổ đông của công ty đó. Đây có thể được xem là yêu cầu về việc đăng ký quyền sở hữu. Mặt khác, cũng có thể nói là cổ phiếu trong một CTCP chưa Đại Chúng không phải đăng ký quyền sở hữu vì yêu cầu đăng ký quyền sở hữu thường được hiểu là việc đăng ký với một cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền thay vì một doanh nghiệp tư; và

·           nếu cổ phiếu của một CTCP chưa Đại Chúng không được xem là động sản cần đăng ký quyền sở hữu thì, theo Bộ Luật Dân Sự 2015, giao dịch giữa người bán và bên thứ ba ngay tình sẽ vẫn có hiệu lực kể cả khi người bán không có quyền bán, trừ khi số cổ phiếu đó bị trộm hoặc bằng cách nào đó bị tước đoạt khỏi vợ/chồng của người bán, trái với ý muốn của người vợ/chồng đó.  Điều kiện đối với người thứ ba ngay tình để được hưởng sự bảo vệ là khá rộng và chung chung.

Bài viết này được đóng góp một phần bởi Lê Thanh Nhật, thực tập sinh luật tại Venture North Law.