QUY ĐỊNH VỀ ĐẦU TƯ THĂM DÒ VÀ KHAI THÁC DẦU KHÍ TẠI VIỆT NAM - XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân nước ngoài và trong nước thực hiện các hoạt động dầu khí trên cơ sở hợp đồng dầu khí được ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoặc các thỏa thuận khác ký với PVN hoặc Chính Phủ Việt Nam theo Luật Dầu Khí 1993.

Hợp đồng dầu khí có thể là hợp đồng chia sẻ sản phẩm (HĐCSSP), thỏa thuận liên doanh hoặc các hình thức khác nếu được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt. Trừ khi được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt, HĐCSSP phải tuân thủ mẫu hợp đồng chia sẻ sản phẩm dầu khí do Chính Phủ ban hành theo Nghị Định 33/2013.

PVN có quyền tham gia vào các hoạt động dầu khí với tư cách là nhà đầu tư đồng thời có quyền và thẩm quyền quản lý các hoạt động của nhà thầu và, trong một số trường hợp, được ủy quyền thay mặt Chính Phủ trong quan hệ với các nhà đầu tư khác trong các HĐCSSP. Điều này dẫn đến xung đột lợi ích lới đối với PVN khi đóng vai trò là nhà đầu tư theo HĐCSSP và đồng thời là cơ quan quản lý. Pháp luật Việt Nam không có quy định rõ ràng để kiểm soát xung đột lợi ích khi PVN tham gia đầu tư vốn với các nhà đầu tư khác trong hoạt động dầu khí và đồng thời thực hiện các quyền và thẩm quyền thuộc về một cơ quan nhà nước trong quan hệ với các nhà thầu đó theo HĐCSSP.

Mặc dù vậy, về lý thuyết, Luật Cạnh Tranh 2015 có thể đưa ra một số hạn chế đối về thẩm quyền của PVN theo Luật Dầu Khí 1993. Ví dụ, khi thực hiện thẩm quyền được trao theo Luật Dầu Khí 1993,

·          nếu PVN được coi là cơ quan Nhà nước thì Luật Cạnh Tranh cấm “cơ quan Nhà nước” ép buộc doanh nghiệp, tổ chức, và cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ một doanh nghiệp do Cơ quan nhà nước/cơ quan quản lý Nhà nước đó quy định/chỉ định; và

·         nếu PVN được coi là một doanh nghiệp thì PVN có thể được coi là có sức mạnh thị trường đáng kể và bị cấm lạm dụng sức mạnh đó.

Bài viết được đóng góp bởi Hà Thị Dung, luật sư thành viên tại Venture North Law.