GIỚI HẠN VAY NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM
Theo quy định của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010 (như được sửa đổi gần đây), ngân hàng phải chịu một số hạn chế khi cấp khoản vay hoặc các hình thức tín dụng khác cho bên vay, bao gồm:
(a) Tổng mức dư nợ cấp tín dụng cho (1) một khách hàng và (2) một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá lần lượt là 15% và 25% vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Dư nợ tín dụng bao gồm (nhưng không giới hạn): (1) trái phiếu được phát hành bởi khách hàng hoặc người liên quan của họ, (2) khoản vay có bảo đảm được bảo lãnh bởi các tổ chức tín dụng khác, và (2) khoản vay có bảo đảm bởi tiền gửi tiết kiệm cá nhân. Dư nợ tín dụng không bao gồm (1) tín dụng cấp cho bên vay là một tổ chức tín dụng khác và (2) tín dụng cấp bởi nguồn vốn ủy thác của Chính Phủ hoặc các tổ chức, cá nhân khác. Thủ Tướng Chính Phủ có thể quyết định bãi bỏ giới hạn này phụ thuộc vào giới hạn 400% vốn chủ sở hữu của ngân hàng;
(b) ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng cho (1) thành viên HĐQT, thành viên của HĐTV, thành viên của ban kiểm soát, giám đốc, tổng giám đốc, phó giám đốc, phó tổng giám đốc, và các vị trí tương đương trong ngân hàng thương mại, các cổ đông là pháp nhân mà người đại diện phần vốn góp của pháp nhân đó là thành viên HĐQT hoặc thành viên Ban kiểm soát; và (2) cha mẹ, vợ, chồng hoặc con của thành viên HĐQT hoặc thành viên ban kiểm soát hoặc giám đốc, tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, phó tổng giám đốc và các vị trí tương đương.
Ngân hàng không được cấp tín dụng cho bên vay trên cơ sở biện pháp bảo đảm cấp bởi bất kỳ người nào quy định tại (b);
(c) ngân hàng không được cấp tín dụng mà không có bảo đảm hoặc dưới các điều kiện ưu đãi hơn cho các đối tượng sau: (1) tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên đang tiến hành việc kiểm toán ngân hàng đó hoặc thanh tra viên đang thanh tra tại ngân hàng đó; (2) kế toán trưởng của ngân hàng thương mại đó; (3) cổ đông lớn và cổ đông sáng lập của ngân hàng đó; (4) các công ty do một trong những người nêu tại (b) sở hữu trên 10% vốn điều lệ; (5) những người tiến hành thẩm định và chấp thuận khoản vay; và (6) công ty con hoặc công ty liên kết của ngân hàng đó hoặc của doanh nghiệp bị kiểm soát bởi ngân hàng đó.
Tổng mức dư nợ tín dụng cấp bởi một ngân hàng cho tất cả những người vay nêu tại (1) tới (5) không được vượt quá 5% vốn chủ sở hữu của ngân hàng đó. Mức cân bằng dư nợ tín dụng bao gồm cả tổng mức đầu tư và mua trái phiếu do người vay phát hành (nếu áp dụng).
Tổng mức dư nợ tín dụng cấp bởi ngân hàng cho một khách hàng nêu tại (6) không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng đó và cho tất cả khách hàng nêu tại (6) không được vượt quá 20% vốn tự có của ngân hàng đó. Mức dư nợ tín dụng đó bao gồm cả tổng mức đầu tư vào trái phiếu do khách hàng phát hành.
(d) ngân hàng không được sử dụng trên 5% vốn điều lệ của mình để cấp khoản vay cho người vay sử dụng tiền vay để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng chỉ có thể cấp khoản vay không quá 12 tháng cho mục đích đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng không được cấp khoản vay cho việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau (bao gồm nhưng không giới hạn): (1) khoản vay được bảo đảm bởi trái phiếu của do ngân hàng đó phát hành, (2) khoản vay được bảo đảm bởi trái phiếu được mua từ tiền vay, (3) người vay là người nêu tại (b) hoặc (c) hoặc những người liên quan của người đó, và (4) trái phiếu không được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán;
(e) ngân hàng không được sử dụng trên 5% vốn điều lệ của mình để cung cấp khoản vay cho khách hàng sử dụng tiền vay để đầu tư vào cổ phần của công ty. Ngân hàng chỉ có thể cấp khoản vay không quá 12 tháng cho mục đích đầu tư vào cổ phần của công ty. Ngân hàng không được cấp khoản vay cho mục đích đầu tư vào cổ phần trong các trường hợp sau (bao gồm nhưng không giới hạn): (1) khoản vay được bảo đảm bằng cổ phần của ngân hàng đó, (2) khoản vay được bảo đảm bởi cổ phần được mua bằng tiền vay, (3) người vay là người được nêu tại (b) hoặc (c) hoặc những người liên quan của người đó, và (4) người vay là công ty con hoặc công ty liên kết của ngân hàng đó;
(f) ngân hàng không được cấp tín dụng cho công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ do ngân hàng kiểm soát;
(g) ngân hàng không được cấp tín dụng được bảo đảm bởi cổ phần của ngân hàng đó hoặc của công ty con của ngân hàng đó; và
(h) ngân hàng không được cấp tín dụng cho mục đích góp vốn hoặc mua cổ phần của bất kỳ tổ chức tín dụng nào.
Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Hoàng Duy và Lê Minh Thùy của Venture North Law
Cập nhật ngày 27 tháng 2 năm 2018: Sửa lại mục (a) để phản án Điều 128.3 của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng 2010.