ÁP DỤNG SỞ HỮU GIÁN TIẾP TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH GIỚI HẠN SỞ HỮU TRONG NGÂN HÀNG CỔ PHẦN VIỆT NAM
Một cổ đông (đặc biệt là một cổ đông nước ngoài) tại một ngân hàng cổ phần Việt Nam (Ngân Hàng VN) phải biết tỷ lệ nắm giữ của họ trong Ngân Hàng VN là bao nhiêu. Điều này là bởi (1) Có các mức sở hữu tối đa áp dụng cho một cổ đông đơn lẻ hoặc một nhóm người liên quan, và (2) một “Cổ Đông Lớn” cần có chấp thuận từ Ngân hàng nhà nước (NHNN). Việc Luật các tổ chức tín dụng 2010 (LCTCTD 2010) và Nghị Định 01/2014 đưa ra khái niệm về “sở hữu gián tiếp” đã dẫn tới khó có thể xác định chính xác tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông trong một Ngân Hàng VN cho mục đích tại (1) và (2) nêu trên. Sở hữu gián tiếp được định nghĩa là việc một tổ chức, cá nhân sở hữu vốn điều lệ, vốn cổ phần của tổ chức tín dụng thông qua người có liên quan hoặc thông qua ủy thác đầu tư.
Theo LCTCTD 2010, khái niệm về sở hữu gián tiếp chỉ được quy định trong định nghĩa về “cổ đông lớn”. Vì thế, sẽ là hợp lý nếu coi sở hữu gián tiếp chỉ được sử dụng cho mục đích xác định tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn mà không phải vì mục đích xác định liệu một cổ đông đơn lẻ hay một nhóm người liên quan có tuân thủ mức sở hữu tối đa theo LCTCTD 2010 hay không. Theo LCTCTD 2010, một cổ đông là cá nhân/tổ chức không được sở hữu quá 5%/15% vốn điều lệ của một Ngân Hàng VN và một nhóm người liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một Ngân Hàng VN. Đây là cách diễn giải hợp lý bởi nếu sở hữu gián tiếp được sử dụng để xác định liệu một cổ đông đơn lẻ hay một nhóm người liên quan có tuân thủ mức sở hữu tối đa theo LCTCTD 2010 hay không, thì mức sở hữu của một cổ đông đơn lẻ sẽ tương đương với mức sở hữu của cổ đông đó và người có liên quan của họ, và sẽ đều phải chịu mức sở hữu tối đa như nhau.
Tuy nhiên, Nghị Định 1/2014 áp dụng đối với mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không tuân theo cấu trúc của LCTCTD 2010. Nghị Định 1/2014 quy định chung chung rằng “sở hữu” nghĩa là cả sở hữu trực tiếp và sở hữu gián tiếp. Điều này chỉ ra rằng thuật ngữ sở hữu trong bất kỳ ngữ cảnh nào theo Nghị Định 1/2014 sẽ bao gồm cả sở hữu trực tiếp và sở hữu gián tiếp. Tuy nhiên, như đã thảo luận ở trên, nếu sử dụng sở hữu gián tiếp để xác định một cổ đông nước ngoài đơn lẻ hoặc một nhóm người có liên quan có tuân thủ mức sở hữu tối đa theo Nghị Định 1/2014 hay không, thì mức sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài và các người liên quan của họ sẽ không liên quan vì mức sở hữu cổ phần áp dụng cho một nhà đầu tư nước ngoài đơn lẻ cũng sẽ bao gồm sở hữu cổ phần của những người liên quan của nhà đầu tư đó. Do đó, không chắc rằng sở hữu gián tiếp sẽ được sử dụng để xác định liệu một cổ đông nước ngoài đơn lẻ hoặc một nhóm người có liên quan có tuân thủ mức sở hữu tối đa theo Nghị Định 1/2014 hay không.
Mặt khác, khi một nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu tại một Ngân Hàng VN theo Nghị Định 1/2014, sở hữu gián tiếp có thể vẫn được sử dụng để xác định các thủ tục chấp thuận thích hợp áp dụng đối với nhà đầu tư đó. Ví dụ, nếu việc thâu tóm thực hiện bởi một tổ chức nước ngoài dẫn tới sở hữu cổ phần trực tiếp dưới 10% nhưng sở hữu cổ phần hơn 10% bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp, thì tổ chức nước ngoài đó vẫn phải nộp đơn xin chấp thuận của NHNN (xem tại Đây). Việc giải thích như vậy sẽ ngăn cản các tổ chức nước ngoài sử dụng các bên liên quan khác nhau để thâu tóm ít hơn 10% cổ phần từ đó tránh phải xin chấp thuận của NHNN.
Bài viết được đóng góp bởi Lưu Hoàng Hải, luật sư cộng sự tại Venture North Law Limited.