TRỞ NGẠI CHO VIỆC THÂU TÓM THÙ ĐỊCH TẠI VIỆT NAM

Xét đến sự thiếu rõ ràng của các Quy Định Về Chào Mua Công Khai và sự khó khăn trong việc thực thi các quy tắc đó trong thực tiễn, không quá khó khăn đối với nhà đầu tư trong việc tích lũy đáng kể cổ phần của một công ty cổ phần đại chúng (công ty mục tiêu) tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư này không được hậu thuẫn bởi Hội Đồng Quản Trị của công ty mục tiêu, thì nhà đầu tư không được hoan nghênh này có thể gặp khó khăn khi tham gia quản lý công ty mục tiêu ngay cả khi nhà đầu tư có thể nắm quyền kiểm soát của công ty mục tiêu ở cấp cổ đông. Điều này là bởi:

•          Đại hội Đồng Cổ Đông (ĐHĐCĐ) có thẩm quyền bãi nhiệm và bầu các thành viên Hội Đồng Quản Trị. Và cách mặc định theo Luật Doanh Nghiệp 2014 để bãi nhiệm hoặc bầu thành viên Hội Đồng Quản Trị là bằng cách bỏ phiếu tại cuộc họp. Vì vậy, để nhà đầu tư thay thế các thành viên Hội Đồng Quản Trị đương nhiệm, ĐHĐCĐ cần phải được triệu tập, nhưng không có sự hỗ trợ của các thành viên Hội Đồng Quản Trị, các cổ đông mới sẽ thấy khó có thể triệu tập cuộc họp của ĐHĐCĐ.

•          Thông thường, cuộc họp của ĐHĐCĐ được tiệu tập bởi Hội Đồng Quản Trị hoặc cổ đông hoặc một nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian 6 tháng liên tục (Cổ Đông 10%) theo một số điều kiện nhất định. Do yêu cầu nắm giữ 6 tháng, nhà đầu tư mới nắm giữ cổ phần đáng kể (hoặc kiểm soát) không thể triệu tập cuộc họp của ĐHĐCĐ ngay sau khi trở thành cổ đông lớn của công ty mục tiêu để bầu các ứng cử viên của mình vào Hội Đồng Quản Trị. Để làm cho vấn đề trở nên xấu hơn, Hội Đồng Quản Trị đương nhiệm thậm chí còn có thể trì hoãn ĐHĐCĐ hàng năm tới 6 tháng.

•          Ngay cả khi Hội Đồng Quản Trị có thể triệu tập họp ĐHĐCĐ, nếu nhà đầu tư mới không đáp ứng yêu cầu nắm giữ 6 tháng, nhà đầu tư mới này không được quyền đề xuất các ứng cử viên của mình vào Hội Đồng Quản Trị trừ khi (1) không có Cổ đông 10%, hoặc (2) có Cổ Đông 10% nhưng họ không đề xuất đủ số ứng cử viên so với số lượng ứng viên mà họ có quyền đề cử.

•          Theo Luật Doanh Nghiệp năm 2014, Hội Đồng Quản Trị có quyền chấp thuận đề xuất được trình lên ĐHĐCĐ. Do đó, Hội Đồng Quản Trị thiếu thiện chí có thể dựa vào điều này để từ chối chấp thuận bất kỳ đề xuất nào (ví dụ: đề xuất bãi nhiệm các thành viên Hội Đồng Quản Trị hiện tại) do cổ đông lớn đưa ra. Tất nhiên, cổ đông lớn có thể tiến hành khiếu nại đối với các thành viên Hội Đồng Quản Trị vì vi phạm nhiệm vụ của người quản lý. Nhưng đây cũng lại là một cuộc chiến khó khăn khác.

Bài viết này được đóng góp một phần bởi Hà Thanh Phúc, trainee tại Venture North Law.