DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT CHỨNG KHOÁN 2006 CỦA VIỆT NAM

Bộ Tài Chính vừa công bố dự thảo sửa đổi mới nhất cho Luật Chứng Khoán 2006 ( Https://Tinyurl.Com/Ydc44zyd ), dự kiến sẽ được thông qua vào nửa cuối năm 2019. Dường như bất kỳ luật lớn nào ở Việt Nam sẽ cần phải trải qua những thay đổi lớn trong mỗi 10 năm dù những thay đổi đó có cần thiết hay không. Dự thảo sửa đổi bao gồm những thay đổi lớn sau đây liên quan đến quá trình tăng vốn:

· Việc phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu riêng lẻ giờ đây chỉ có thể được thực hiện cho ít hơn 100 “nhà đầu tư chuyên nghiệp”, một hoặc các “nhà đầu tư chiến lược”. Không có định nghĩa về “nhà đầu tư chiến lược”. Định nghĩa về “nhà đầu tư chuyên nghiệp” được sửa đổi để bao gồm (1) công ty niêm yết có vốn điều lệ từ 1000 tỷ đồng trở lên và (2) cá nhân có giá trị ròng cao (high net-worth individuals) có kinh nghiệm và đủ tiêu chuẩn hành nghề giao dịch chứng khoán.

· Các nhà đầu tư chiến lược trong một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ phải chịu hạn chế chuyển nhượng ba năm (tăng từ một năm theo Luật Chứng Khoán 2006).

· Chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có thể đăng ký và giao dịch trái phiếu chuyển đổi được phát hành riêng lẻ bởi một tổ chức phát hành.

· Định nghĩa về người có liên quan được mở rộng để bao gồm các “đối tác và khách hàng lớn” của một công ty đại chúng. Sửa đổi này dường như mở rộng đáng kể và bất hợp lý khái niệm về người liên quan. Điều này là bởi khái niệm về người liên quan được sử dụng để xác định liệu một nhóm người có nên được coi là một để áp dụng yêu cầu chào mua hay yêu cầu báo cáo cổ đông lớn;

· Việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được phải đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float). Cụ thể, một công ty có vốn điều lệ 1000 tỷ đồng phải đảm bảo rằng sau khi IPO, ít nhất 10% vốn điều lệ sẽ được sở hữu bởi ít nhất 100 nhà đầu tư nắm giữ ít hơn 1% cổ phần trong công ty.

· Các “cổ đông lớn” của tổ chức phát hành trong một đợt IPO phải cam kết nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ trong ít nhất một năm.

· Lần chào bán cổ phiếu ra công chúng kế tiếp phải cách tối thiểu một năm sau lần chào bán ra công chúng gần nhất.  

· Trong đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng kế tiếp, tổ chức phát hành phải đảm bảo rằng ít nhất 70% số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán sẽ được đăng ký mua.

· Tổ chức phát hành không thể tiến hành chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng với quy mô bằng vốn điều lệ của tổ chức phát hành trừ khi có bên bảo lãnh phát hành cam kết mua tất cả các cổ phiếu chưa bán.

· Tổ chức phát hành trong đợt phát hành trái phiếu ra công chúng phải có vốn điều lệ 300 tỷ đồng (tăng từ 10 tỷ đồng).

· Tất cả các tổ chức phát hành trong đợt phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ra công chúng phải cam kết niêm yết trái phiếu hoặc cổ phiếu sau khi hoàn thành đợt chào bán. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi vẫn có các yêu cầu riêng cho việc niêm yết cổ phiếu và trái phiếu. Như vậy, để tuân thủ yêu cầu này, một tổ chức phát hành cần đáp ứng các điều kiện đối với cả chào bán và niêm yết chứng khoán.

 Có thể thấy rằng nhiều thay đổi ở trên, nếu được thông qua, sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của các tổ chức phát hành Việt Nam thông qua thị trường vốn.