Chuyển nhượng vốn góp trong các trường đại học tư thục chưa chuyển đổi

1.         Luật Giáo dục đại học sửa đổi ngày 19 tháng 11 năm 2018 (Luật GDĐH Sửa Đổi 2018) quy định rất nhiều điểm mới so với Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 (Luật GDĐH 2012). Một trong những điểm mới quan trọng là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức hoạt động của các trường đại học tư thục. Theo đó, Luật GDĐH Sửa Đổi 2018 yêu cầu các trường đại học tư thục sẽ phải có hội đồng trường (tương tự như các trường đại học công lập) thay vì hội đồng quản trị như quy định trước đây của Luật GDĐH 2012.

2.         Như vậy, các nhà đầu tư trong một trường đại học tư thục mà chưa được chuyển đổi cơ cấu tổ chức hoạt động theo Luật GDĐH Sửa Đổi 2018 (Trường ĐH Chưa Chuyển Đổi) [thì có được chuyển nhượng vốn góp của mình hay không và phải tuân theo thủ tục như thế nào.

Yêu cầu bắt buộc chuyển đổi cơ cấu tổ chức trước khi tiến hành chuyển nhượng

3.         Mặc dù Luật GDĐH Sửa Đổi 2018 và Nghị Định 99/2019 không quy định rõ, để một giao dịch chuyển nhượng vốn góp trong Trường ĐH Chưa Chuyển Đổi được hợp pháp thì Trường ĐH Chưa Chuyển Đổi đó trước hết cần phải được chuyển đổi cơ cấu tổ chức để có hội đồng trường theo Luật GDĐH Sửa Đổi 2018 trước khi tiến hành chuyển nhượng. Điều này là bởi vì:

a)         Một trong các nguyên tắc chuyển nhượng vốn trong trường đại học tư thục được quy định tại Nghị Định 99/2019 là “người có nhu cầu chuyển nhượng thông báo các điều kiện chuyển nhượng với hội đồng trường”, sau đó “hội đồng trường sẽ thông báo các điều kiện chuyển nhượng đến các thành viên góp vốn còn lại và công khai với người lao động của nhà trường với cùng điều kiện”. Như vậy, nếu không có hội đồng trường, việc chuyển nhượng vốn góp sẽ không thể tuân thủ được nguyên tắc này; và

b)         Nghị Định 99/2019 quy định đối với các trường đại học chưa có hội đồng trường thì hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu phải quyết định công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị Định 99/2019 có hiệu lực thi hành (tức là 6 tháng kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2020). Quy định này bắt buộc các trường đại học tư thục được thành lập trước ngày 15 tháng 02 năm 2020 mà chưa có hội đồng trường phải chuyển đổi cơ cấu tổ chức hoạt động theo Nghị Định 99/2019 và không được giữ cơ cấu tổ chức như cũ.

Thủ tục chuyển nhượng vốn góp

4.         Theo Nghị Định 99/2019, việc chuyển nhượng quyền sở hữu phần vốn góp của thành viên góp vốn trong trường đại học tư thục sẽ được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính nội bộ của cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với các quy định của pháp luật, và phải tuân thủ các nguyên tắc chuyển nhượng sau đây:

a)         Người có nhu cầu chuyển nhượng thông báo các điều kiện chuyển nhượng với hội đồng trường;

b)         Hội đồng trường thông báo các điều kiện chuyển nhượng đến các thành viên góp vốn còn lại và công khai với người lao động của nhà trường với cùng điều kiện; thông báo phải có giá trị ít nhất 30 ngày, từ ngày thông báo; và

c)         Việc chuyển nhượng được thực hiện theo thứ tự sau:

(a)        giữa các thành viên góp vốn của cơ sở giáo dục đại học theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của từng thành viên;

(b)        cho người lao động trong nhà trường nếu các thành viên góp vốn không nhận chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng không hết; và

(c)        cho người không phải là thành viên góp vốn và người lao động trong cơ sở giáo dục đại học nếu người lao động của cơ sở giáo dục đại học không nhận chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng không hết.

5.         Nghị Định 99/2019 không yêu cầu các bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng phải xin bất kỳ chấp thuận nào từ cơ quan nhà nước liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp.

Tài liệu chứng minh quyền sở hữu vốn góp sau khi nhận chuyển nhượng

6.         Cả Luật GDĐH Sửa Đổi 2018 và Nghị Định 99/2019 đều không quy định rõ sau khi chuyển nhượng vốn góp thì giấy tờ chứng minh quyền sở hữu vốn góp của bên nhận chuyển nhượng sẽ là gì. Tuy nhiên, theo Luật GDĐH Sửa Đổi 2018, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục phải quy định cụ thể về việc lựa chọn áp dụng quy định của pháp luật liên quan về công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hoặc quỹ xã hội để giải quyết những vấn đề trong cơ sở giáo dục đại học mà luật giáo dục đại học chưa quy định.

7.         Nếu trường đại học tư thục lựa chọn áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến công ty TNHH hai thành viên thì theo Điều 47.5 Luật Doanh Nghiệp 2020, sau khi thành viên góp đủ vốn, thành viên góp vốn sẽ được trường đại học tư thục cấp giấy chứng nhận vốn góp. Ngoài ra, trường đại học tư thục cũng phải lập sổ đăng ký thành viên ghi nhận các thành viên góp vốn của công ty. Như vậy, trong trường hợp này, tài liệu chứng minh quyền sở hữu vốn góp của bên nhận chuyển nhượng vốn góp trong trường đại học tư thục sẽ bao gồm (a) sổ đăng ký thành viên được cập nhật ghi nhận bên nhận chuyển nhượng là thành viên góp vốn mới, và (b) giấy chứng nhận vốn góp do trường đại học tư thục cấp cho bên nhận chuyển nhượng.

Bài viết được thực hiện bởi Lê Võ Thủy Tiên và chỉnh sửa bởi Hoàng Thị Thanh Thùy.