Hợp Đồng Mua Bán Điện Trực Tiếp tại Việt Nam – Giới thiệu cơ bản
Trong Quy Hoạch Điện VIII (QHĐ VIII), cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) được đề xuất triển khai thí điểm. Cơ chế DPPA đem đến một hình thức bán điện mới cho các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, QHĐ VIII chưa có các thông tin cơ bản về việc cơ chế DPPA sẽ được triển khai theo như thế nào. Dù vậy, trước khi QHĐ VIII được ban hành, trong năm 2022, một dự thảo quyết định của Thủ Tướng (Dự Thảo Quyết Định) về việc thí điểm (Cơ Chế Thí Điểm) cơ chế DPPA được ban hành để lấy ý kiến. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu cấu trúc cơ bản của cơ chế DPPA và một số nội dung chính của DPPA.
Theo Cơ Chế Thí Điểm, cơ chế DPPA được thực hiện theo mô hình DPPA tài chính như sau:
1. đơn vị phát điện tái tạo sẽ ký kết DPPA dưới dạng hợp đồng kỳ hạn với khách hàng mua điện, theo đó khách hàng sẽ đảm bảo giá bán điện của đơn vị phát điện là giá cố định (xem 3) và đổi lại, đơn vị phát điện sẽ chuyển giao thuộc tính môi trường mà dự án tạo ra cho khách hàng;
2. mặc dù cái tên DPPA ám chỉ rằng nội dung của DPPA có việc mua bán điện giữa đơn vị phát điện và khách hàng, trong cơ chế DPPA, đơn vị phát điện sẽ không giao điện đến khách hàng trên thực tế; đó là lý do tại sao cơ chế DPPA này được gọi là mô hình DPPA tài chính. Thay vào đó, đơn vị phát điện sẽ bán toàn bộ điện năng cho EVN trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh trên cơ sở hợp đồng mua bán điện mẫu được quy định trong Dự Thảo Quyết Định. Tổng công ty điện lực thuộc EVN sẽ bán điện cho khách hàng theo giá bán lẻ điện. Điện năng mà được EVN bán cho khách hàng không nhất thiết phải được sản xuất bởi dự án của đơn vị phát điện; và
3. nếu giá mà đơn vị phát điện bán điện trên thị trường bán buôn điện (Giá Thả Nổi) thấp hơn giá cố định, khách hàng sẽ trả đơn vị phát điện phần còn thiếu. Nếu Giá Thả Nổi cao hơn giá cố định, khách hàng sẽ trả đơn vị phát điện phần vượt quá.
Về nội dung của DPPA giữa đơn vị phát điện và khách hàng, Dự Thảo Quyết Định chỉ yêu cầu DPPA phải có một số nội dung cơ bản. Do đó, đơn vị phát điện và khách hàng có nhiều tự do trong việc thỏa thuận nội dung hợp đồng giữa họ. Các nội dung cần điều chỉnh trong DPPA có thể thay đổi tùy vào dự án năng lượng tái tạo cụ thể, tuy nhiên có một số nội dung chính mà đơn vị phát điện và khách hàng có thể xem xét khi giao kết DPPA như sau:
1) Đối tượng của DPPA – Như đã đề cập, trong DPPA tài chính, không có việc giao nhận điện năng trên thực tế và không có việc chuyển giao quyền sở hữu đối với điện năng từ đơn vị phát điện cho khách hàng. Đối tượng chính của DPPA sẽ là việc chuyển giao các thuộc tính môi trường từ đơn vị phát điện tới khách hàng để đổi lấy việc khách hàng sẽ đảm bảo giá bán cố định cho điện năng được đơn vị phát điện sản xuất ra. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không quy định rõ ràng về việc “thuộc tính môi trường” có được coi là tài sản và có thể được chuyển giao theo hợp đồng hay không.
2) Thời hạn của DPPA – Đơn vị phát điện và khách hàng sẽ cần xem xét thời hạn của DPPA kéo dài bao lâu. DPPA có thể kéo dài tới hết đời sống kinh tế của nhà máy phát điện, thường từ 10 đến 20 năm.
3) Phát triển dự án – nếu DPPA được đàm phán và ký kết trước khi dự án năng lượng tái tạo được xây dựng, DPPA có thể cần xử lý các vấn đề sau:
a) thời hạn cho việc vận hành thương mại của dự án (Hạn Chót Vận Hành Thương Mại) và chế tài mà khách hàng có thể áp dụng nếu dự án chưa đạt được vận hành thương mại trước Hạn Chót Vận Hành Thương Mại;
b) nếu Hạn Chót Vận Hành Thương Mại không đạt được, ngày mà dự án nếu tiếp tục chậm thì khách hàng có quyền chấm dứt DPPA (Ngày Hạn Chót Cuối Cùng);
c) chế tài mà khách hàng có thể áp dụng nếu dự án đạt được vận hành thương mại, nhưng công suất của nhà máy lại thấp hơn công xuất đã thỏa thuận;
d) việc giãn Hạn Chót Vận Hành Thương Mại và Ngày Hạn Chót Cuối Cùng do các sự kiện mà đơn vị phát điện không kiểm soát được.
4) Chuyển giao thuộc tính môi trường – thuộc tính môi trường sẽ được chuyển giao từ đơn vị phát điện sang cho khách hàng bằng cách nào, khi nào, và với số lượng bao nhiêu?
5) Thanh toán - giá cố định áp dụng với một đơn vị điện năng mà đơn vị phát điện sản xuất ra? Và công thức để tính khoản thanh toán mà một bên cần trả cho bên còn lại? Ở dạng đơn giản nhất, công thức đó có thể như sau: đối với mỗi chu kỳ thanh toán, khoản tiền cần thanh toán bằng thương số của (X) (i) giá cố định trừ (ii) giá mà EVN trả đơn vị phát điện đối với điện năng đã được bán cho EVN trong chu kỳ đó và (Y) lượng điện năng mà đơn vị phát điện đã bán cho EVN trong chu kỳ đó.
6) Cam kết khả dụng – chế tài mà khách hàng có thể áp dụng nếu mức độ khả dụng của nhà máy thấp hơn mức độ khả dụng đã cam kết;
7) Phân chia rủi ro trong trường hợp pháp luật thay đổi.
Bài viết này được soạn bởi Hà Thanh Phúc và được chỉnh sửa bởi Nguyễn Quang Vũ.