XÁC THỰC THÔNG TIN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG THỜI GIAN THỬ VIỆC TẠI VIỆT NAM

Theo quy định của Bộ Luật Lao Động 2012, người sử dụng lao động và người lao động có thể có thỏa thuận về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của các bên trong thời gian thử việc. Bên cạnh đó, trước khi ký kết hợp đồng thử việc, người sử dụng lao động có thể yêu cầu người lao động cung cấp các thông tin khác nhau, bao gồm họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khoẻ và vấn đề khác “liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động.” Để lựa chọn ra các ứng viên phù hợp với công việc, người sử dụng lao động cũng có thể thỏa thuận với người lao động về việc xác thực các thông tin trên, theo đó người sử dụng lao động sẽ có quyền chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp kết quả xác thực thông tin không chính xác. Chừng nào quy định này còn chưa rõ ràng, vẫn còn có rủi ro cho người sử dụng lao động khi bị xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Bởi vì:

  • Bộ Luật Lao Động 2012 chỉ quy định rằng người sử dụng lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian thử việc nếu “việc làm thử” không đạt yêu cầu. Không có định nghĩa rõ ràng về “việc làm thử” theo quy định của luật. Do đó, sẽ có quan điểm cho rằng kết quả xác thực thông tin chính xác không thể coi là việc làm thử vì không bao gồm công việc nào; và
  • Cũng không rõ các thông tin nào sẽ được coi là “thông tin liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động.” Vì vậy, một vài thông tin được yêu cầu bởi người sử dụng lao động (ví dụ: tình trạng hôn nhân, tranh chấp dân sự,…) có thể không được xem là liên quan trực tiếp tới công việc mà người lao động thực hiện.

Mặc dù vậy, quan điểm trên có thể không hợp lý vì:

  • Điều 17.1 của Bộ Luật Lao Động 2012 yêu cầu các bên trong hợp đồng lao động có nghĩa vụ phải trung thực khi giao kết hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động tuyển dụng người lao động căn cứ trên các thông tin mà người lao động cung cấp. Do đó, nếu các thông tin đó sau khi được xác thực là không chính xác trong thời gian thử việc, người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động; và
  • Do người sử dụng lao động là người hiểu rõ nhất về công việc kinh doanh của mình cũng như yêu cầu cho từng vị trí công việc, sẽ là hợp lý khi cho phép người sử dụng lao động có toàn quyền quyết định các thông tin nào liên quan tới việc thực hiện hợp đồng phải được cung cấp chính xác bởi người lao động.

Tuy nhiên, để tránh rủi ro, người sử dụng lao động nên quy định trong hợp đồng lao động rằng kết quả xác thực thông tin chính xác là một trong những điều kiện để xác định việc làm thử đạt yêu cầu.

Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Hoàng Dương - luật sư tập sự tại Venture North Law.

Bộ Luật Dân Sự 2015 – Rủi ro cho bên chuẩn bị dự thảo đầu tiên của hợp đồng tại Việt Nam

Điều 404.6 Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định, trường hợp bên soạn thảo bổ sung thêm nội dung hợp đồng mà gây bất lợi cho bên kia thì hợp đồng sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho bên kia. Quy định này không chỉ áp dụng cho hợp đồng tiêu dùng mà còn áp dụng với các hợp đồng thương mại giữa hai bên đã có kinh nghiệm thương mại (commercially sophisticated party). Theo đó, có rủi ro là bên soạn thảo hợp đồng thương mại có thể phải chịu rủi ro hợp đồng sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho bên kia khi phát sinh tranh chấp trong tương lai. Do đó, các bên, khi đàm phán hợp đồng, cần lưu tâm đến điều khoản nào được soạn thảo bởi bên nào trong hợp đồng.

Rất khó để hiểu được lý luận của Điều 404.6 Bộ Luật Dân Sự 2015. Khi một bên đưa vào hợp đồng một điều khoản, túc là bên đó đang hành động để bảo vệ lợi ích của mình trong hợp đồng, và trong nhiều trường hợp, điều khoản đó có thể gây bất lợi đối với bên còn lại. Đây là lý do tại sao các bên cần phải đàm phán với nhau để đạt được thỏa thuận thống nhất. Và thỏa thuận đó có thể là kết quả của quá trình thương lượng, đàm phán phức tạp giữa các bên. Một bên có thể chấp nhận một điều khoản bất lợi đối với mình trong hợp đồng, để đối lại một điều khoản có lợi khác trong hợp đồng. Nếu luật quy định, tòa án hoặc trọng tài giải thích một điều khoản được đưa ra bởi một bên như trên theo hướng có lợi cho bên còn lại thì việc này có thể làm ảnh hưởng đến thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng, bởi lẽ các bên không thể chắc chắn rằng, nội dung của hợp đồng sẽ được giải thích theo ý chí thỏa thuận ban đầu của các bên.

Một điều khoản quy định rằng, hợp đồng sẽ không được giải thích theo hướng bất lợi cho bên soạn thảo Hợp đồng trên cơ sở bên đó đã soạn thảo hợp đồng này hoặc bất cứ phần nào của hợp đồng, sẽ giảm thiểu rủi ro phát sinh tại Điều 404.6 của Bộ Luật Dân Sự 2015. Tuy nhiên, dưới sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, các bên trong hợp đồng có thể cân nhắc thêm vào hợp đồng một điều khoản quy định rằng, hợp đồng đã được soạn thảo bởi tất cả các bên và theo đó Điều 404.6 Bộ Luật Dân Sự 2015 sẽ không áp dụng cho việc giải thích hợp đồng.

 

 

Thông tư 39/2016 – Quy định mới về hoạt động cho vay của ngân hàng tại Việt Nam

Tháng 12/2016, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã ban hành Thông tư 39/2016, thay thế Quyết định 1627/2001, về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhành ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Thông tư 39/2016 có nhiều điểm mới quan trọng. Cụ thể:

  • Để chấm dứt hợp đồng cho vay và thu hồi nợ trước hạn, ngân hàng phải chứng minh bên vay đã cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vay và/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Trong khi chờ đợi những hướng dẫn chi tiết từ SBV, quy định này có vẻ đã hạn chế khả năng thu hồi nợ của ngân hàng trong trường hợp đòi nợ trước hạn theo hợp đồng vay. Ví dụ, trường hợp vi phạm xuất phát từ bên thứ ba (bên bảo lãnh) có thể không thỏa mãn điều kiện thu hồi nợ mới.
  • Để thống nhất với Bộ Luật Dân Sự 2015, hiện tại chỉ cá nhân hoặc pháp nhân có thể vay vốn ngân hàng tại Việt Nam. Các loại tổ chức khác (ví dụ, doanh nghiệp tư nhân hoặc Quỹ Đầu Tư (nếu không có tư cách pháp nhân) sẽ không được phép vay ngân hàng. Trước đây, các tổ chức này vẫn được phép vay ngân hàng.
  • Lãi suất trên khoản vay của ngân hàng được tính trên cơ sở một năm có 365 ngày thay vì 360 ngày như trước đó. Quy định này có thể gây ra những khó khăn nhất định về mặt kỹ thuật cho ngân hàng trong việc điều chỉnh hệ thống phần mềm nội bộ.
  • Một khoản vay cần có mục đích sử dụng vốn.
  • Thông tư 39/2016 hướng dẫn chi tiết việc áp dụng các quy đinh cho vay. Cụ thể, Các hoạt động cho vay cụ thể được quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì thực hiện theo quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư 39/2016 sẽ được áp dụng nếu Thông tư 39/2016 được dẫn chiếu trong các văn bản riêng hoặc nếu các văn bản riêng không có quy định. Quy định này trao cho SBV và Thủ tướng quyền quyết định những thỏa thuận cho vay không thuộc Thông tư 39/2016.
  • Thông tư 39/2016 quy định, ngân hàng phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường khi gia hạn khoản nợ cho bên vay. Tuy nhiên, các quy định về môi trường lại không có bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động tài chính.
  • Hiện tại, chỉ có trường hợp kéo dài kỳ hạn trả nợ được coi là cơ cấu lại nợ. Theo Quyết định 1627/2001, rút ngắn kỳ hạn trả nợ cũng được coi là cơ cấu lại nợ.
  • Việc thực hiện tái cấp vốn đối với một số loại khoản vay đã được cho phép (ví dụ, tái cấp vốn khoản vay vay tại một ngân hàng khác hoặc tái cấp vốn khoản vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình).
  • Thông tư 39/2016 cấm hoạt động vay vốn đối với các hoạt động đầu tư, giao dịch, các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ mà pháp luật cấm. Phạm vi cấm của quy định này rộng hơn so với Quyết định 1627/2001 (Quyết định 1627 chỉ cấm tài sản hoặc giao dịch).
  • Theo Thông tư 39/2016, đồng tiền trả nợ phải là đồng tiền cho vay của khoản vay.
  • Thông tư 39/2016 dường như đã giới hạn các loại phí mà tổ chức tín dụng có thể thu từ khách hàng. Các loại phí được áp dụng bao gồm (i) Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn; (ii) Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng; (iii) Phí thu xếp cho vay hợp vốn; (iv) Phí cam kết và (v) các loại phí khác liên quan đến hoạt động vay nợ được quy định cụ thể trong các văn bản luật liên quan. Tuy nhiên, phí cam kết chỉ thanh toán từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu. Quy định này có thể gây khó khăn cho ngân hàng vì, theo như quy định này, bên vay có thể rút ngay một phần nhỏ vốn vay trong hợp đồng để tránh việc phải trả phí cam kết.
  • Ngân hàng chỉ có 10 ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ (ví dụ gia hạn khoản nợ).
  • Hợp đồng cho vay được lập bằng tiếng Việt hoặc đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Các văn bản liên quan khác có thể sử dụng tiếng nước ngoài nhưng phải được dịch sang tiếng Việt và phải có xác nhận bản dịch theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
  • Thông tư 39/2016 cho phép thực hiện vay tuần hoàn hoặc các loại vay quay vòng khác. Tuy nhiên, Thông tư 39/2016 không cho phép ngân hàng cung cấp các loại khoản vay chưa được Thông tư 39/2016 dự tính. Trước đó, Quyết định 1627/2001 cho phép ngân hàng cung cấp các khoản vay mà pháp luật không cấm.
  • Khoản vay quy định rõ lãi suất theo tỷ lệ phần trăm. Yêu cầu này dường như đã hạn chế những khoản vay được tính lãi suất dựa trên số tuyệt đối.
  • Thông tư 39/2016 cho phép ngân hàng tính lãi suất (nhưng không vượt quá 10%) đối với lãi suất quá hạn. Tuy nhiên, không có bất kỳ chế tài nào được đặt ra đối với bên vay nếu bên vay không trả tiền lãi và ngân hàng đã tính lãi đối với khoản lãi quá hạn.
  • Nếu bên vay không trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay, ngân hàng thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau. Trước đây, ngân hàng thường thu nợ lãi tiền vay trước và sau đó mới đến nợ gốc.
  • Ngân hàng phải xem xét xác định lại hạn mức tín dụng, một năm ít nhất một lần trong thời hạn của khoản vay.

Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Hoàng Duy – Luật sư cộng sự tại Venture North Law.

HẠN CHẾ KHI THUÊ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRẢ TIỀN THUÊ ĐẤT HẰNG NĂM

Người sử dụng đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hằng năm không được phép cho thuê nhà và công trình xây dựng gắn liền với đất trừ khi người sử dụng đất đó đăng ký kinh doanh bất động sản theo Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2014.Sẽ là bất hợp lý khi hạn chế quyền cho thuê tài sản của chủ sở hữu trong khi vẫn cho phép bán tài sản đó . Tuy nhiên, lập trường này được thể hiệntrong pháp luật về đất đại hiện hành. Cụ thể:

  • Luật Đất Đai 2013 không quy định, người sử dụng đất thông qua thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm có thể cho thuê nhà hoặc công trình xây dựng gắn liền với đất. Trong khi đó, người sử dụng đất với đất thuê trả tiền một lần cho toàn bộ thời gian thuê, có quyền cho thuê nhà và công trình gắn liền với đất;
  • Nghị định 102/2014 quy định, phạt hành chính đối với trường hợp người sử dụng đất cho thuê bất hợp pháp nhà hoặc công trình gắn liền với đất trả tiền thuê đất hàng năm; và
  • Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền, tại ít nhất một tỉnh, đã áp dụng phạt hành chính về vi phạm trên.

Tuy nhiên, vẫn có thể dựa vào Điều 11.1(d) và 11.3(a) Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2014 để lập luận, một chủ thể thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm có thể cho thuê bất động sản gắn liền với đất với điều kiện chủ thể đó đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh bất động sản. Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2014 cho phép các cá nhân, tổ chức trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất từ Nhà nước có thể đầu tư xây dựng nhà ở và công trình xây dựng gắn liền với đất để cho thuê. Luật Kinh Doanh Bất Động Sản 2014 không phân biệt giữa đất trả tiền hằng năm và đất thuê trả tiền một lần.

Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Bích Ngọc và một phần dựa trên bản tin BASICO Tuần Luật của công ty luật BASICO.