NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI GẦN NHẤT CỦA LUẬT CHỨNG KHOÁN 2006

Dự thảo sửa đổi Luật Chứng Khoán 2006 mới nhất, so với dự thảo trước đó, đưa ra những điểm mới sau đây, bao gồm nhưng không giới hạn:

·           “Sở hữu gián tiếp” chứng khoán được xác định có nghĩa là việc sở hữu chứng khoán thông qua một “người có liên quan” hoặc thông qua ủy thác đầu tư.

·           Tiêu chí đánh giá một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được giảm xuống. Một công ty có vốn điều lệ đã góp đạt 100 tỷ đồng (khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ) thay vì 1.000 tỷ đồng giờ đây có thể đủ điều kiện được công nhận như một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Một cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết đạt 2 tỷ đồng (thay vì một lượng giao dịch đạt 2 tỷ đồng mỗi tháng) hoặc thu nhập chịu thuế năm gần nhất đạt 1 tỷ đồng giờ đây có thể đủ điều kiện được công nhận như một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc được công nhận như một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là điều rất quan trọng vì chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược mới có thể tham gia vào một đợt chào bán cổ phần riêng lẻ của một công ty đại chúng.

·           Khách hàng lớn hay đối tác kinh doanh không còn được coi là người có liên quan của một công ty đại chúng.

·           Dự thảo sửa đổi mới nhất dường như cho phép việc phát hành cổ phiếu ở mức giá thấp hơn mệnh giá nếu giá giao dịch hiện tại của tổ chức phát hành thấp hơn mệnh giá.

·           Tổ chức phát hành thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chỉ cần duy trì tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch ở mức 15% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết và được nắm giữ bởi ít nhất 100 cổ đông không phải là cổ đông lớn. Trong dự thảo trước đó, yêu cầu đối với tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch là 20% tổng số cổ phiếu và được nắm giữ bởi ít nhất 100 cổ đông sở hữu không quá 1% tổng số cổ phiếu.

·           Tổ chức phát hành trong một đợt IPO phải đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Tổ chức phát hành chào bán trái phiếu ra công chúng cũng phải niêm yết trái phiếu của họ ngay sau khi kết thúc đợt chào bán.

·           Tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng chỉ cần có mức vốn điều lệ đã góp đạt 30 tỷ đồng thay vì 300 tỷ đồng.

·           Tổ chức kiểm toán của một công ty đại chúng phải báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hoạt động của công ty đại chúng nếu (1) có yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc (2) có những sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật hoặc các quy định liên quan đến báo cáo tài chính của công ty đại chúng. Đây dường như là một thay đổi lớn trong vai trò của tổ chức kiểm toán cho một công ty đại chúng tại Việt Nam.

·           Thế chấp, cầm cố, hoặc bảo đảm lợi ích liên quan đến chứng khoán phải thực hiện đăng ký theo Luật Chứng Khoán. Không có quy định rõ ràng về việc đây là một yêu cầu đăng ký mới hay điều này muốn nói đến việc đăng ký với Cục Đăng Ký Quốc Gia Giao Dịch Bảo Đảm.