Luật Doanh Nghiệp 2020 Mới Áp Dụng Cho Các Công Ty Tại Việt Nam

Giới thiệu

Vào tháng 6 năm 2020, Quốc Hội đã thông qua Luật Doanh Nghiệp 2020 mới (Luật Doanh Nghiệp 2020) để thay thế Luật Doanh Nghiệp 2014 kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021. Luật Doanh Nghiệp 2020 được ban hành chỉ sau bốn năm kể từ ngày Luật Doanh Nghiệp 2014 có hiệu lực. Do vậy, chỉ trong vòng 20 năm, Việt Nam đã có 4 phiên bản khác nhau của Luật Doanh Nghiệp. Các thay đổi thường xuyên đó có thể gây ra nhiều thắc mắc cho nhà đầu tư bởi họ sẽ không biết chắc rằng các quyền của họ với tư cách là một thành viên hoặc một cổ đông trong một công ty tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi một chuỗi các thay đổi nào khác vào năm 2025. Trên thực tế, rất nhiều thay đổi được đưa ra trong Luật Doanh Nghiệp 2020 chỉ là các thay đổi về mặt câu chữ (nhưng lại không giải quyếtnhiều vấn đề không rõ ràng của Luật Doanh Nghiệp 2014) cũng gây ra những hoài nghi về chất lượng của quy trình lập pháp tại Việt Nam.

Bài viết được thực hiện bởi Nguyễn Quang Vũ. Các bình luận của chúng tôi được dựa trên phiên bản Luật Doanh Nghiệp 2020 được cung cấp bởi Ông Trương Trọng Nghĩa, một đại biểu Quốc Hội và thành viên Hội Luật Sư Thương Mại Việt Nam (VBLC). Do phiên bản chính thức của Luật Doanh Nghiệp 2020 chưa được ban hành, các bình luận của chúng tôi có thể bị thay đổi. Để tiện tham chiếu, một bản so sánh giữa Luật Doanh Nghiệp 2020 và Luật Doanh Nghiệp 2014 bằng tiếng Việt có thể được tải về tại Đây.

Bảo vệ ít hơn cho chủ sở hữu và người quản lý công ty

Luật Doanh Nghiệp 2020 đưa ra ít sự bảo vệ hơn cho các chủ sở hữu và người quản lý của công ty bằng việc quy định cho phép các cơ quan Chính Phủ can thiệp hoặc thậm chí đình chỉ hoạt động của một công ty một cách dễ dàng hơn. Ví dụ,

·         Người đại diện theo pháp luật, Chủ Tịch Hội Đồng Thành Viên của một công ty trách nhiệm hữu hạn (CTTNHH), chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của một công ty cổ phần (CTCP), người đại diện của một thành viên là tổ chức trong một CTTNHH hoặc một cổ đông là tổ chức trong một CTCP có thể mất vị trí hoặc các quyền quản lý công ty của mình nếu họ có “khó khăn trong nhận thức hoặc làm chủ hành vi”. Luật không làm rõ (1) ai sẽ có thẩm quyền xác định một người quản lý hoặc chủ sở hữu của công ty có khó khăn trong nhận thức hoặc làm chủ hành vi, và (2) việc xác định đó sẽ được thực hiện như thế nào. Đồng thời, luật cũng không quy định các quyền và vị trí của người quản lý hoặc chủ sở hữu có liên quan sẽ được khôi phục một khi người đó không còn ở tình trạng khó khăn trong nhận thức hoặc làm chủ hành vi;

·         Bên cạnh tòa án, bất kỳ cơ quan Chính Phủ nào trong một thủ tục tố tụng pháp lý mà công ty có liên quan đều có thể chỉ định người đại diện theo pháp luật của công ty. Điều này có nghĩa là nếu một công ty phải tham gia vào một thủ tục tố tụng hình sự, cơ quan công an có thể chỉ định người đại diện theo pháp luật của công ty đó.

·         Cơ Quan Đăng Ký Kinh Doanh có thể đình chỉ hoặc thu hồi một Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp dựa trên “đề nghị” của các cơ quan có thẩm quyền khác theo pháp luật.

Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp

Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, các thành viên hoặc cổ đông sáng lập của một công ty đã giao kết hợp đồng để thành lập công ty sau khi đã hoàn thành thủ tục phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ hợp đồng cho công ty theo Bộ Luật Dân Sự ngay khi công ty được thành lập. Các thay đổi mới chỉ ra rằng một hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp không mặc nhiên ràng buộc một công ty cho đến khi nó được chuyển giao cho công ty. Luật Doanh Nghiệp 2020 cũng yêu cầu tất cả các thành viên hoặc cổ đông sáng lập của một công ty (thay vì chỉ những người ký hợp đồng) phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp đã ký trong trường hợp công ty không được thành lập.

Giảm bớt thủ tục hành chính

Luật Doanh Nghiệp 2020 không còn yêu cầu một công ty phải thông báo Cơ Quan Đăng Ký Kinh Doanh về mẫu con dấu của công ty và các thay đổi đối với người quản lý của công ty theo Điều 44 và 12 của Luật Doanh Nghiệp 2014. Tuy nhiên, không rõ bằng cách nào công chúng có thể biết được con dấu của công ty nếu không có cơ sở dữ liệu công khai về mẫu con dấu.

Các quy định chồng chéo với Luật Chứng Khoán 2019

Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định rất nhiều vấn đề đáng lý ra nên được điều chỉnh bởi Luật Chứng Khoán 2019. Điều này là bất thường bởi Luật Chứng Khoán 2019 chỉ mới được ban hành vào tháng 11 năm 2019 và các vấn đề đó đáng lý ra đã phải được quy định trong Luật Chứng Khoán 2019. Có vẻ như người soạn thảo Luật Chứng Khoán 2019 đã quên quy định về các vấn đề đó và nay cố gắng khắc phục việc đó bằng cách đưa thêm vào Luật Doanh Nghiệp 2020 các quy định bổ sung. Ví dụ,

·         Luật Doanh Nghiệp 2020 có nhiều các quy định chi tiết hơn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (ví dụ, một công ty bây giờ cần phải có báo cáo đã được kiểm toán để phát hành trái phiếu). Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, một CTTNHH có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp và một CTCP có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp và “các loại chứng khoán khác”. Quy định này có vẻ như chỉ ra rằng một CTTNHH không thể phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào khác ngoài trái phiếu. Luật Doanh Nghiệp 2020 cũng quy định thủ tục chi tiết để phát hành trái phiếu bởi một CTCP không phải là công ty đại chúng và một CTTNHH thông qua hình thức phát hành riêng lẻ. Rất nhiều thuật ngữ liên quan đến quy trình phát hành trái phiếu (ví dụ: nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) đều không được định nghĩa. Có vẻ các thuật ngữ đó sẽ có nghĩa như được định nghĩa tại Luật Chứng Khoán 2019; và

·         Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định cơ sở để một CTCP phát hành chứng chỉ lưu ký, điều mà thay vào đó nên được điều chỉnh bởi các quy định về chứng khoán.

Kéo dài thời hạn góp vốn bằng tài sản

Luật Doanh Nghiệp 2014 yêu cầu các thành viên hoặc cổ đông sáng lập của một công ty phải góp vào vốn điều lệ lần đầu trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập công ty mà không có ngoại lệ. Luật Doanh Nghiệp 2020 nay đã cho phép thời hạn 90 ngày được kéo dài tương ứng với thời gian vận chuyển, nhập khẩu, thực tiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, các thành viên/cổ đông sáng lập góp vốn lần đầu bằng tài sản vẫn có các quyền của thành viên/cổ đông gắn liền với phần vốn góp. Trong khi cách tiếp cận này giải quyết một vấn đề thực tiễn (đó là: việc góp vốn bằng tài sản đòi hỏi thời gian), quy định này gây ra một vài vấn đề khác:

·         Không rõ liệu thời hạn kéo dài đó chỉ áp dụng cho các thành viên/cổ đông góp vốn bằng tài sản hay áp dụng cho cả các thành viên/cổ đông góp vốn bằng tiền mặt. Nếu thời hạn kéo dài đó chỉ áp dụng cho các thành viên/cổ đông góp vốn bằng tài sản thì pháp luật có vẻ như không công bằng đối với các thành viên/cổ đông góp vốn bằng tiền mặt.

·         Luật Doanh Nghiệp 2020 không áp đặt bất kỳ hạn chế nào lên thời hạn cần thiết để vận chuyển, nhập khẩu, thực tiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Do đó, một thành viên/cổ đông góp vốn bằng tài sản có thể cố ý trì hoãn việc góp vốn bằng cách không thực hiện các bước này một cách kịp thời.

Biên bản họp

Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, nếu Chủ Tịch hoặc thư ký cuộc họp của Hội Đồng Thành Viên, cổ đông, hoặc Hội Đồng Quản Trị từ chối ký tên vào một biên bản họp thì thay vào đó các thành viên hoặc thành viên Hội Đồng Quản Trị tham dự khác có thể ký vào biên bản họp. Thay đổi này có thể giúp cho công ty dễ dàng hơn trong việc bãi miễn một Chủ Tịch cuộc họp bất hợp tác.

Hội Đồng Thành Viên của một CTTNHH nhiều thành viên

Để giải quyết những Nhầm Lẫn về việc ai là thành viên của Hội Đồng Thành Viên trong một CTTNHH nhiều thành viên theo Luật Doanh Nghiệp 2014, Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định rằng Hội Đồng Thành Viên của một CTTNHH bao gồm (1) các thành viên công ty là cá nhân, và (2) người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức.  Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, đây không phải là một quy định hợp lý và có thể phát sinh một số vấn đề như đề như sau:

·         Về bản chất, đối với một CTTNHH nhiều thành viên, Luật Doanh Nghiệp 2020 hiện tạo ra hai vị trí: (1) thành viên của CTTNHH; và (2) thành viên của Hội Đồng Thành Viên CTNHNN. Nhưng trong rất nhiều điểm, Luật Doanh Nghiệp 2020 không phân biệt giữa hai vị trí này. Ví dụ, việc tổ chức cuộc họp Hội Đồng Thành Viên đòi hỏi một số lượng thành viên sở hữu ít nhất 65% số vốn điều lệ của CTTNHH phải có mặt. Tuy nhiên, đối với trường hợp các thành viên là tổ chức của một CTTNHH, các thành viên của Hội Đồng Thành Viên là người đại diện theo ủy quyền của các thành viên là tổ chức trong CTTNHH không trực tiếp sở hữu vốn điều lệ của CTTNHH. Do đó, về mặt câu chữ, sự có mặt của những người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức của một CTTNHH không thỏa mãn yêu cầu về tỷ lệ dự họp;

·         Luật Doanh Nghiệp 2020 không làm rõ liệu các hành động do những người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức trong một CTTNHH thực hiện với tư cách thành viên Hội Đồng Thành Viên có ràng buộc các thành viên là tổ chức đó hay không; và

·         Luật Doanh Nghiệp 2020 chỉ quy định các quyền của thành viên Hội Đồng Thành Viên mà không quy định các quyền của thành viên CTTNHH. Và rất nhiều quyền của thành viên Hội Đồng Thành Viên nên là các quyền của thành viên CTTNHH ví dụ như quyền được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ hoặc quyền được chia lợi nhuận bởi CTTNHH.

Giao dịch với bên liên quan

·         Theo Luật Doanh Nghiệp 2014, một giao dịch với bên liên quan giữa CTTNHH hoặc CTCP với những người có liên quan của công ty đó mà không được chấp thuận hợp lệ sẽ bị vô hiệu nếu giao dịch đó gây ra thiệt hại tới công ty. Luật Doanh Nghiệp 2020 hiện vô hiệu hóa mọi giao dịch với bên có liên quan mà không được chấp thuận theo thủ tục quy định trong Luật Doanh Nghiệp 2020 (cụ thẻ là không còn yêu cầu phải gây ra thiệt hại). Luật Doanh Nghiệp 2020 về cơ bản đã quay trở lại việc quy định giống với Luật Doanh Nghiệp 2005. Không rõ điều gì đã tạo nên thay đổi này.

·         Khi một giao dịch với bên liên quan được trình để chấp thuận, Luật Doanh Nghiệp 2020 loại trừ các phiếu biểu quyết của thành viên, cổ đông hoặc thành viên Hội Đồng Quản Trị “có liên quan tới các bên” trong giao dịch. Luật Doanh Nghiệp 2020 đáng lý ra phải dẫn chiếu đến “các đối tác” của công ty trong giao dịch thay vì các bên trong giao dịch vì hiển nhiên công ty là một bên trong giao dịch.

·         Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, một hợp đồng vay hoặc bán tài sản với giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của CTCP giữa CTCP và một cổ đông đa số sở hữu từ 51% trở lên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết hoặc người có liên quan của cổ đông đó phải được chấp thuận bởi Đại Hội Đồng Cổ Đông của CTCP.

·         Ban kiểm soát của CTCP hiện đã có quyền giám sát/đánh giá các giao dịch của công ty với bên có liên quan và kiến nghị về các giao dịch với bên có liên quan cần được chấp thuận bởi HĐQT hoặc Đại Hội Đồng Cổ Đông.

Không yêu cầu kiểm soát viên trong cơ cấu tổ chức của CTTNHH một thành viên không phải là doanh nghiệp nhà nước

Luật Doanh Nghiệp 2020 không còn yêu cầu một CTTNHH một thành viên không phải là doanh nghiệp nhà nước phải có kiểm soát viên. Đây là một thay đổi tích cực bởi vai trò của kiểm soát viên trong một CTTNHH một thành viên không phải là doanh nghiệp nhà nước là không quan trọng.

Doanh nghiệp nhà nước

Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, một doanh nghiệp nhà nước là một doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Một lần nữa, Luật Doanh Nghiệp 2020 lại quay lại định nghĩa về doanh nghiệp nhà nước của Luật Doanh Nghiêp 2005. Có lẽ, Chính Phủ hiện đã nhận ra rằng định nghĩa doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh Nghiệp 2014 Không thực sự phù hợp với các luật khác điều chỉnh doanh nghiệp nhà nước.

Tính linh hoạt trong việc phát hành cổ phần ưu đãi của CTCP bị hạn chế

Bên cạnh cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi cổ tức, ba phiên bản trước của Luật Doanh Nghiệp luôn cho phép CTCP phát hành “các loại cổ phần ưu đãi khác” như được quy định trong điều lệ. Điều này tạo cho CTCP một sự linh hoạt trong việc phát hành cổ phần ưu đãi cho nhà đầu tư với những điều khoản được thỏa thuận giữa các bên. Luật Doanh Nghiệp 2020 hiện có vẻ như đã lược bỏ đi sự linh hoạt đó bằng yêu cầu việc phát hành “các loại cổ phần ưu đãi khác” phải tuân theo quy định về chứng khoán. Tuy nhiên, các quy định về chứng khoán không có bất kỳ điều khoản nào về việc phát hành cổ phần ưu đãi.

Quyền của các cổ đông nắm giữ 5% và 10% cổ phần

Luật Doanh Nghiệp 2020 cho phép cổ đông hoặc nhóm các cổ đông nắm giữ từ 5% quyền biểu quyết trở lên có các quyền nhất định về thông tin và có quyền triệu tập cuộc họp cổ đông để đánh giá các hành động của HĐQT hoặc những người quản lý khác của công ty. Luật Doanh Nghiệp 2020 cho phép cổ đông hoặc nhóm các cổ đông nắm giữ từ 10% quyền biểu quyết có quyền đề cử người vào HĐQT, Ban Kiểm Soát.

Đồng thời, Luật Doanh Nghiệp 2020 lược bỏ yêu cầu cổ đông nắm giữ 10% phải nắm giữ cổ phần từ sáu tháng trở lên để có quyền đề cử người. Đây là một thay đổi tích cực bởi nó cho phép chủ sở hữu mới của một CTCP có quyền kiểm soát công ty ngay khi họ có được số cổ phần cần thiết thay vì phải đợi thêm sáu tháng.

Nghĩa vụ bảo mật của cổ đông

Một cổ đông trong một CTCP hiện có nghĩa vụ phải giữ bí mật thông tin do công ty cung cấp và có thể sử dụng các thông tin đó để thực hiện và bảo vệ các quyền và lợi ích của họ. Một cổ đông không được cung cấp thông tin đó cho bên thứ ba. Không rõ liệu hạn chế này có ngăn cản cổ đông trong công ty cung cấp thông tin của công ty cho bên mua tiềm năng đối với số cổ phần của họ trong công ty.

Chào bán cổ phần

Luật Doanh Nghiệp 2020 sửa đổi định nghĩa “chào bán” từ “việc tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ” thành “việc công ty tăng thêm số lượng và loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ”. Đáng tiếc là định nghĩa sửa đổi vẫn gây ra sự nhầm lẫn như định nghĩa ban đầu. Theo định nghĩa sửa đổi, hành động đơn thuần là chấp thuận tăng cổ phần được quyền chào bán cũng có thể được coi là chào bán cổ phần.

Chào bán cổ phần riêng lẻ

Luật Doanh Nghiệp 2020 đã loại bỏ yêu cầu thông báo về việc chào bán riêng lẻ của CTCP cho Cơ Quan Đăng Ký Kinh Doanh. Điều này có nghĩa là CTCP không cần phải thực hiện thủ tục này nữa và thời gian để thực hiện chào bán riêng lẻ sẽ ngắn hơn.

Luật Doanh Nghiệp 2020 làm rõ việc các cổ đông hiện hữu của CTCP sẽ có quyền ưu tiên mua trước đối với các cổ phần được phát hành thông qua chào bán riêng lẻ, trừ trường hợp sáp nhập hoặc hợp nhất doanh nghiệp. Trong các phiên bản trước của Luật Doanh Nghiệp, vấn đề này Không Rõ Ràng. Điều này ngầm định rằng việc từ bỏ quyền ưu tiên mua cổ phần mới của cổ đông hiện hữu phải được đưa ra vào thời điểm CTCP thực hiện chào bán riêng lẻ.

Ngoài ra, sau đó, Đại Hội Đồng Cổ Đông của CTCP sẽ cần thông qua nghị quyết trong trường hợp CTCP muốn phát hành cổ phần cho nhà đầu tư của mình với các điều khoản chào bán thuận lợi hơn so với các cổ đông hiện hữu.

Chuyển nhượng cổ phần

Luật Doanh Nghiệp 2020 hiện yêu cầu CTCP phải cập nhật sổ đăng ký cổ đông của mình để ghi nhận việc chuyển nhượng cổ phần trong vòng 24 giờ sau khi có đề nghị từ các bên liên quan. Yêu cầu mới này là một thay đổi tích cực bởi nó đưa ra một quyền “giải thoát” tốt hơn cho cổ đông.

Ngưỡng biểu quyết

Luật Doanh Nghiệp 2020 giảm ngưỡng biểu quyết đa số tương đối từ 51% xuống 50% và điều này là hợp lý. Luật Doanh Nghiệp 2020 cũng cho phép điều lệ của CTCP được quyền điều chỉnh tăng hoặc giảm ngưỡng giá trị của các giao dịch quan trọng (ví dụ: giao dịch vay hoặc bán tài sản) đòi hỏi phải có chấp thuận của cổ đông. Theo Luật Doanh Nghiệp 2014, điều lệ CTCP chỉ có thể điều chỉnh giảm ngưỡng giá trị của giao dịch quan trọng (35% hoặc một giá trị nhỏ hơn tổng giá trị tài sản của công ty).

Lần đầu tiên, Luật Doanh Nghiệp 2020 cho phép cổ đông ưu đãi có quyền biểu quyết đối với các thay đổi ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của cổ đông ưu đãi. Cụ thể, các thay đổi “bất lợi” đến quyền hoặc nghĩa vụ của cổ đông ưu đãi phải được chấp thuận bởi số cổ đông ưu đãi nắm giữ ít nhất 75% số cổ phần ưu đãi đó. Tuy nhiên, vấn đề là ai và bằng cách nào có thể quyết định được một thay đổi là thay đổi “bất lợi” đến cổ đông ưu đãi.

Thành viên HĐQT độc lập và Tổng Giám Đốc

Một thành viên độc lập của HĐQT trong CTCP chỉ có thể được bổ nhiệm nhiều nhất hai nhiệm kỳ liên tục. Tổng Giám Đốc của một CTCP đại chúng không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý hoặc kiểm soát viên của (1) CTCP đại chúng, hoặc (2) công ty mẹ của CTCP đại chúng, hoặc (3) đại diện theo ủy quyền của công ty mẹ trong CTCP đại chúng.

Trách nhiệm của thành viên HĐQT

Theo Luật Doanh Nghiệp 2020, cổ đông nắm giữ 1% cổ phần trong CTCP có quyền khởi kiện thành viên HĐQT vi phạm trách nhiệm của người quản lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc cho chính cổ đông. Vấn đề này không được quy định rõ ràng trong Luật Doanh Nghiệp 2014.

Tái cấu trúc

Luật Doanh Nghiệp 2020 đơn giản hóa định nghĩa “chia công ty”, “tách công ty” bằng cách lược bỏ các cách thức chia hoặc tách công ty.

Luật Doanh Nghiệp 2020 làm rõ rằng các công ty mới thành lập thông qua chia, tách, sáp nhập, hoặc hợp nhất công ty sẽ mặc nhiên kế thừa các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia cho các công ty đó theo kế hoạch tái cấu trúc có liên quan.