Giải thích không chính thức của Cơ Quan Quản lý Cạnh tranh Việt Nam về hồ sơ tập trung kinh tế

Vào ngày 14 tháng 1 năm 2021, Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VCA) đã tổ chức Hội Thảo “Kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam”. Trong phần Hỏi và Đáp, trưởng bộ phận tiếp nhận hồ sơ tập trung kinh tế đã trả lời các câu hỏi khác nhau được đưa ra ra bởi các luật sư của Venture North Law và công ty luật khác. Cán bộ VCA đã đưa ra một số giải thích đáng chú ý như sau:

·         Tái cấu trúc nội bộ. Các giao dịch tái cấu trúc nội bộ trong các công ty dưới sự kiểm soát của cùng một công ty mẹ phải tuân theo yêu cầu thông báo. Tuy nhiên, trong trường hợp này, do các bên tham gia giao dịch thuộc cùng một nhóm công ty nên báo cáo thị phần của mỗi bên sẽ bao gồm thông tin thị phần của mỗi đơn vị là bên tham gia tái cấu trúc nội bộ mà không phải của toàn bộ nhóm công ty. Không rõ trên cơ sở pháp lý nào, cán bộ VCA đã đưa ra lời giải thích này.

·         Mua lại thiểu số. Một thương vụ mua lại thiểu số mà trao quyền phủ quyết cho bên mua lại không tự động được coi là có quyền kiểm soát công ty mục tiêu và phải nộp hồ sơ tập trung kinh tế. Thay vào đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ cần xem xét toàn bộ giao dịch để xem liệu tổng thể giao dịch có đáp ứng các Tiêu Chí Kiểm Soát theo Nghị Định 35/2020 hay không. Việc làm rõ này dường như đã giải quyết sự nhầm lẫn của những người hành nghề về việc liệu việc mua lại thiểu số có làm phát sinh yêu cầu về hồ sơ tập trung kinh tế hay không theo quan điểm của cán bộ VCA thể hiện trong các cuộc hội thảo hoặc các trao đổi khác.

·         Các bên có nghĩa vụ gửi thông báo tập trung kinh tế bao gồm tất cả các bên liên quan đến giao dịch. Ví dụ, trong trường hợp A (bên mua) mua 51% cổ phần trong vốn điều lệ của C (công ty mục tiêu) từ B (bên bán), thì tất cả A, B và C sẽ được coi là “các bên tham gia tập trung kinh tế” và phải ký vào thông báo đã nộp cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

·         Quy mô về chủ thể được đáp ứng nếu tổng tài sản/tổng doanh thu của một trong hai bên trong giao dịch vượt quá 3.000 tỷ đồng. VCA áp dụng cách diễn giải về cách tính quy mô về chủ thể tương tự như người soạn thảo Nghị Định 35/2020 như đã thảo luận trong Blog trước đây của chúng tôi.

·         Rút thông báo. Sau khi nộp hồ sơ thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, các bên có quyền rút hồ sơ bất cứ lúc nào bằng việc gửi yêu cầu rút hồ sơ bằng văn bản cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Yêu cầu rút hồ sơ không có biểu mẫu hoặc định dạng bắt buộc.

·         Giao dịch ở nước ngoài. Đối với giao dịch ở nước ngoài, các bên liên quan phải tính toán thị phần theo các phương pháp và tiêu chí được quy định trong Luật Cạnh Tranh 2018 và Nghị Định 35/2020, thay vì sử dụng cách tính thị phần theo quy định của các hệ thống tài phán khác (ví dụ: hệ thống tài phán nơi giao dịch ở nước ngoài diễn ra). Trong trường hợp sáp nhập ở nước ngoài, các bên chỉ cần cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại Việt Nam.

·         Nghị Định 35/2020 tách các ngưỡng thông báo thành hai nhóm, một là dành cho ngành bảo hiểm/chứng khoán/ngân hàng (Ngành Đặc Biệt) và nhóm còn lại dành cho các ngành khác (Ngành Thông Thường). Trong trường hợp giao dịch giữa một bên hoạt động trong Ngành Đặc Biệt và bên kia hoạt động trong Ngành Thông Thường, tất cả các ngưỡng thông báo của hai nhóm đều được áp dụng. Theo đó, các bên trong giao dịch tập trung kinh tế phải kiểm tra các ngưỡng của cả Ngành Đặc Biệt và Ngành Thông Thường để xác định xem có cần thông báo giao dịch của họ hay không.

·         Đối với một giao dịch diễn ra trong nhiều giai đoạn và có cùng các bên liên quan trong tất cả các giai đoạn, các bên có thể gửi một thông báo duy nhất cho tất cả các giai đoạn và cho tất cả các bên của giao dịch.

Bài viết này được thực hiện bởi Lê Minh Thùy và biên tập bởi Nguyễn Quang Vũ.