BA VẤN ĐỀ VỀ CHỦ NỢ CÓ BẢO ĐẢM TRONG TRƯỜNG HỢP DOANH NGHIỆP PHÁ SẢN

Nhìn chung, chủ nợ có bảo đảm sẽ có các quyền ưu tiên đối với tài sản của doanh nghiệp so với chủ nợ không có bảo đảm khi doanh nghiệp phá sản. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ Luật Phá Sản Việt Nam, quyền ưu tiên này cũng có cái giá của nó. Cụ thể:

·         Nếu trong hội nghị chủ nợ, các chủ nợ (bao gồm chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ không có bảo đảm) có quyền quyết định sử dụng tài sản bảo đảm để phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng phá sản thì chủ nợ có bảo đảm hoàn toàn không có quyền quyết định đối với tài sản cho mãi tới khi hội nghị chủ nợ kết thúc. Việc các chủ nợ có bảo đảm không có quyền bỏ phiếu trong hội nghị chủ nợ đã khiến cho các chủ nợ này bị mất ưu thế so với các chủ nợ không có bảo đảm;

·         Nếu chủ nợ có bảo đảm đã tiến hành xử lý tài sản bảo đảm và giá trị các tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị khoản nợ của doanh nghiệp thì đáng ra lúc này chủ nợ có bảo đảm nên được coi là chủ nợ không có bảo đảm. Tuy nhiên, pháp luật Phá sản không quy định rõ trường hợp chủ nợ có bảo đảm được coi là chủ nợ không có bảo đảm đối với doanh nghiệp phá sản. Luật Phá sản cho phép chủ nợ có bảo đảm một phần được tham gia hội nghị chủ nợ. Thế nhưng việc phân loại chủ nợ (bao gồm phân loại thành chủ nợ có bảo đảm một phần) lại diễn ra quá sớm trong quy trình phá sản. Ngoài ra, luật cũng không quy định cụ thể về thủ tục sửa đổi danh sách chủ nợ trong trường hợp tài sản bảo đảm đã được xử lý; và

·         Một quyết định tại hội nghị chủ nợ có giá trị ràng buộc các bên được thông qua khi (i) quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và (ii) số chủ nợ không có bảo đảm trong hội nghị chủ nợ đại diện cho ít nhất 65% tổng số nợ không có bảo đảm. Như vậy, dựa vào câu chữ của luật, chủ nợ không có bảo đảm một phần không có quyền bỏ phiếu trong hội nghị chủ nợ. Không rõ vì sao Luật Phá Sản 2014 lại có quy định như vậy. Bởi lẽ việc tính phiếu bầu trong hội nghị chủ nợ nên được dựa trên khoản nợ không có bảo đảm chứ không phải dựa trên số lượng chủ nợ không có bảo đảm.

Bài viết được đóng góp bởi Nguyễn Hoàng Duy - luật sư cộng sự tại Venture North Law. 

CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN CỦA CÔNG TY ĐẠI CHÚNG CHƯA ĐĂNG KÝ LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN VỚI VSD TẠI VIỆT NAM

Theo quy định của Luật Chứng khoán 2006, cổ phần được phát hành bởi công ty cổ phần đại chúng (Public JSC) phải được đăng ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Nếu cổ phần của một Public JSC được đăng ký tại VSD thì việc chuyển nhượng cổ phần trong Public JSC đó phải được thực hiện thông qua VSD. Quyền sở hữu cổ phần của Public JSC sẽ chỉ được chuyển nhượng sau khi các chi tiết về việc chuyển nhượng được lưu trữ trong hệ thống của VSD.