THAY ĐỔI TRONG QUY ĐỊNH VỀ VISA DÀI HẠN ĐỔI VỚI NGƯỚI NƯỚC NGOÀI LÀ GIÁM ĐỐC/NHÀ QUẢN LÝ Ở CÁC CÔNG TY VIỆT NAM

Theo Luật Nhập Cảnh, Xuất Cảnh, Quá Cảnh, Cư Trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, “nhà đầu tư nước ngoài” có thể được cấp visa dài hạn (hoặc thẻ tạm trú) có thời hạn lên đến 5 năm. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là các công ty mà không phải là các cá nhân. Về cơ bản, một cá nhân là người đại diện của một công ty nước ngoài không được coi là nhà đầu tư nước ngoài và dó đó sẽ không đủ điều kiện để được cấp visa dài hạn ở Việt Nam. Trước đây, người đại diện của công ty nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam có thể xin cấp loại visa dài hạn áp dụng cho người nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư. Hiện tại, quy định đó đã không còn hiệu lực. Theo đó, những người nước ngoài là giám đốc/nhà quản lý trong các công ty Việt Nam, đã được cấp loại visa dài hạn áp dụng đối với người đại diện của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty Việt Nam, hiện tại chỉ có thể xin cấp loại visa có thời hạn ngắn hơn (3 năm) áp dụng đối với người nước ngoài là người lao động trong các công tyViệt Nam.

QUYỀN NHẬP KHẨU THAN CỦA DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Theo Công văn 2179 (tháng 10/2016) của Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương (GDE) trả lời Tổng cục Hải quan về việc nhập khẩu than, theo đó các dự án điện của các Tập đoàn và các doanh nghiệp nếu muốn nhập khẩu than trực tiếp sẽ cần phải xin được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Để làm rõ cho hướng dẫn trên, trong Công văn của mình, Tổng cục Năng lượng nêu ra 2 cơ sở sau:

·             Theo quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh than là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; và

·       Theo hướng dẫn của Thủ tướng trong Thông báo số 346 ngày 28/6/2014 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện nhập khẩu than. Cụ thể, trong thông báo này, Thủ tướng đề xuất rằng các dự án điện của các Tập đoàn và các doanh nghiệp phải nhập khẩu than thông qua đầu mối nhập khẩu là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hoặc doanh nghiệp than thuộc sở hữu Nhà nước.

Có kẽ hở trong cả hai cơ sở trên. Đối với cơ sở thứ nhất, cỏ vẻ như là Tổng cục Năng lượng đã nhầm lẫn giữa việc nhập khẩu than là một phần của quá trình sản xuất (ví dụ doanh nghiệp nhập khẩu than để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện) và nhập khẩu than là một phần của hoạt động kinh doanh (ví dụ doanh nghiệp nhập khẩu than để bán). Có thể thấy các quy định về hàng hóa kinh doanh có điều kiện của pháp luật về đầu tư là nhằm để điều chỉnh hoạt động thứ 2 - hoạt động kinh doanh.   

Về cở sở thứ hai, việc chỉ định doanh nghiệp phải sử dụng than từ các doanh nghiệp Nhà nước được chỉ định đã trái với nguyên tắc Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo Điều 10.1 luật Đầu tư 2014. Điều khoản này quy định “Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước.”

ĐIỂM MỚI VỀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG CÓ YÊU TỐ NƯỚC NGOÀI

Bộ Luật Dân Sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã đưa ra nguyên tắc mới về lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, đặc biệt với hợp đồng có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Theo đó, các bên trong hợp đồng sẽ có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài là pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, ngoại trừ các trường hợp sau đây:

·         Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Bộ Luật Dân Sự 2015 đưa ra một số nguyên tắc cơ bản của Pháp Luật Dân Sự Việt Nam, những nguyên tắc này được coi là một phần trong số các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;

·         Không xác định được nội dung của pháp luật nước ngoài mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng (hoặc các nguyên tắc tố tụng khác). Không rõ liệu quy định này có hạn chế việc tìm kiếm các nguồn luật nước ngoài hoặc áp dụng cho việc giải thích pháp luật nước ngoài hay không. Mặt khác, theo Bộ Luật Dân Sự 2015, trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó. Như vậy, nếu một luật sư nước ngoài cung cấp và giải thích bằng chứng dựa trên cơ sở pháp luật nước ngoài sẽ có khả năng không được chấp nhận ở Việt Nam;

·         Hợp đồng liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam nếu bất động sản đó được đặt tại Việt Nam;

·         Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng áp dụng pháp luật Việt Nam trong trường hợp pháp luật nước ngoài do các bên lựa chọn ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam;

·         Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý. Bộ Luật Dân Sự 2015 không giải thích thế nào là “người thứ ba được hưởng”. Điều này dẫn đến những cách hiểu không rõ ràng là bên thứ ba được hưởng có thể là bất kỳ cá nhân nào hay phải là bên được chỉ định cụ thể trong hợp đồng.

Ngoài ra, Bộ Luật Dân Sự 2015 cũng đã quy định về trường hợp “pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng.” Theo đó, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với với hợp đồng sẽ được áp dụng.

VIỆT NAM GIA NHẬP CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ (CISG)

Tháng 12/2015, Việt Nam đã chính thức phê duyệt và trở thành thành viên thứ 84 của Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng Mua bán Hàng hóa Quốc tế. Công ước Viên bắt đầu có hiệu lực ràng buộc tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017. Việt Nam bảo lưu các điều khoản về hình thức của hợp đồng thuộc Điều 11, Điều 29 và Phần II của CISG. Bởi Việt Nam là một nước có các hoạt động kinh doanh sôi động, từ khía cạnh pháp lý, CISG sẽ có tác động lớn đến tất cả các hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia khác cũng là thành viên của CISG (ví dụ như Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ).

Về việc áp dụng CISG, trong mối tương quan với luật Thương mại 2005, trong trường hợp các quy định của CISG không phù hợp với các quy định của luật Thương mại 2005, các quy địnhcủa CISG sẽ được ưu tiên áp dụng. Do đó, nếu một hợp đồng mua bán hàng hóa có sự tham gia của một bên Việt Nam và các bên của hợp đồng không thỏa thuận loại trừ CISG một cách rõ ràng thì CISG sẽ được áp dụng. Một điểm quan trọng mà các luật sư hành nghề ở Việt Nam hiện tại cần phải cân nhắc đó là nên loại trừ hay áp dụng các điều khoản của CISG trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Ngoài ra, trong trường hợp lựa chọn áp dụng CISG, các bên của hợp đồng cũng nên suy xét về việc lựa chọn bản dịch CISG phù hợp vì CISG có nhiều bản dịch chính thức khác nhau.