LUẬT CẠNH TRANH 2018 CỦA VIỆT NAM

Luật Cạnh tranh mới (Luật Cạnh tranh 2018) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2019 tại Việt Nam. Một số thay đổi quan trọng của Luật Cạnh Tranh 2018 như sau:

Phạm vi áp dụng rộng hơn: Luật Cạnh tranh 2018 giờ đây sẽ điều chỉnh bất kỳ hoạt động nào bất kể hoạt động đó thực hiện bởi pháp nhân, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài gây hoặc có khả năng gây “tác động hạn chế cạnh tranh” đối với thị trường Việt Nam. Tác động hạn chế cạnh tranh có nghĩa là tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường. Theo Luật Cạnh Tranh 2018, cơ quan cạnh tranh của Việt Nam sẽ có thẩm quyền rõ ràng để xử lý các hoạt động và giao dịch ngoài lãnh thổ có tác động đến thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 hiện nay cũng áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện, hoặc trường học vốn về cơ bản không phải là doanh nghiệp.

Bên cạnh nguyên tắc về trung thực, các công ty phải cạnh tranh theo nguyên tắc công bằng và lành mạnh.

Mối quan hệ với các luật khác: Khác với luật cạnh tranh cũ, Luật Cạnh Tranh 2018 sẽ không được ưu tiên áp dụng so với các luật khác trong trường hợp các luật khác đó có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, các hoạt động và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Luật Cạnh Tranh 2018, cơ quan Nhà nước không những bị cấp ép buộc mà còn bị cấm "yêu cầu hoặc khuyến nghị" các doanh nghiệp hoặc cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể.

Xác định thị phần: Một phương pháp mới được thêm vào để xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan, cụ thể là phương pháp dựa trên tỷ lệ phần trăm giữa số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc bán ra của doanh nghiệp này với tổng số đơn vị hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc bán ra của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm.

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: Luật Cạnh Tranh 2018 quy định về các loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mới bị cấm. Bao gồm (1) thỏa thuận để phân chia khách hàng, (2) thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận, (3) hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận, và (4) “các thỏa thuận khác” có hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.

Theo luật cạnh tranh cũ, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thường bị cấm nếu thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận là 30% trở lên. Tuy nhiên, theo Luật Cạnh Tranh 2018, khi xác định một thỏa thuận liệu có bị cấm hay không, cơ quan cạnh tranh sẽ áp dụng một số tiêu chí đánh giá để xác định liệu thỏa thuận đó có hoặc có khả năng có tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể đối với thị trường hay không. Các tiêu chí này bao gồm (1) thị phần, (2) rào cản gia nhập thị trường, và (3) tiếp cận cơ sở hạ tầng thiết yếu. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể là thỏa thuận ngang giữa các bên trong cùng một ngành hoặc thỏa thuận theo chiều dọc giữa các bên trong các ngành khác nhau nhưng trong cùng một chuỗi cung ứng.

Một thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh có thể được hưởng miễn trừ lên đến 5 năm. Thỏa thuận lao động, thỏa thuận hợp tác trong các ngành, lĩnh vực đặc thù được điều chỉnh bởi quy định của các luật khác phải tuân thủ các quy định của luật đó, mà không phải Luật Cạnh Tranh 2018.

Lần đầu tiên, Luật Cạnh tranh mới 2018 đưa ra một chính sách khoan hồng. Cụ thể là, các doanh nghiệp tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể được miễn hoặc giảm mức phạt nếu doanh nghiệp tự nguyện báo cáo vi phạm cho cơ quan cạnh tranh trước khi có quyết định điều tra. Chính sách khoan hồng này không áp dụng đối với doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia vào thỏa thuận. Chính sách này áp dụng cho ba doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng. Doanh nghiệp nộp đơn đầu tiên có thể được miễn 100% mức tiền phạt. Doanh nghiệp nộp đơn thứ hai và thứ ba có thể được giảm lần lượt 60% và 40% mức tiền phạt.

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường: Theo Luật Cạnh Tranh 2018, năm doanh nghiệp có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan cũng được coi là một nhóm các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thị phần dưới 10% trên thị trường liên quan không được tính vào nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường.

Ngoài thị phần, Luật Cạnh Tranh 2018 còn bổ sung thêm tiêu chí về “sức mạnh thị trường đáng kể” để xác định liệu doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có thể có vị trí thống lĩnh trên thị trường hay không. Theo Điều 26 của Luật Cạnh Tranh 2018, sức mạnh thị trường đáng kể của một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp có thể được xác định dựa trên (i) tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan, (ii) sức mạnh tài chính và quy mô doanh nghiệp, (iii) rào cản gia nhập và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp khác; (iv) khả năng nắm giữ, tiếp cận và kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ hoặc nguồn cung cấp hàng hoá và dịch vụ; (v) lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; (vi) quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; (vii) quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; (viii) khả năng chuyển sang cung hoặc cầu đối với các hàng hóa và dịch vụ khác; và (ix) các yếu tố đặc thù trong ngành hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động.

Luật Cạnh Tranh 2018 cấm các hoạt động lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường bất kể có hậu quả thực tế hay không. Điều đó có nghĩa là các hoạt động có thể gây thiệt hại cho khách hàng, có thể loại bỏ đối thủ cạnh tranh, hoặc có thể cản trở doanh nghiệp khác tham gia hoặc mở rộng thị trường cũng bị cấm. 

Kiểm soát sáp nhập: Trước đây, một giao dịch tập trung kinh tế (ví dụ, sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại) bị cấm chỉ khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp trong vụ việc tập trung kinh tế là hơn 50% thị trường liên quan. Tuy nhiên, theo Luật Cạnh Tranh 2018, điều kiện này được thay thế bằng các yếu tố về việc liệu việc tập trung kinh tế có hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể hay không.

Cơ quan cạnh tranh sẽ đánh giá một số tiêu chí để xác định tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế. Các tiêu chí này bao gồm (1) thị phần kết hợp trên thị trường liên quan; (2) mức độ tập trung tại thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế; (3) mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối và cung ứng một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định hoặc ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào hoặc bổ trợ cho nhau; (4) lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan; (5) khả năng doanh nghiệp sau khi tập trung kinh tế tăng giá hoặc tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể; (6) khả năng doanh nghiệp sau khi tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn chặn các doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường; và (7) các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Tương tự, theo luật cạnh tranh cũ, một giao dịch tập trung kinh tế cần phải được báo cáo cho cơ quan quản lý cạnh tranh, nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tập trung kinh tế là từ 30% trở lên của thị trường liên quan. Tuy nhiên, theo Luật Cạnh Tranh mới, các bên có ý định thực hiện tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nếu họ chịu ngưỡng thông báo dựa trên (1) tổng tài sản và tổng doanh thu của doanh nghiệp đó tại thị trường Việt Nam, (2) giá trị giao dịch hoặc (3) thị phần kết hợp trên thị trường liên quan.

Tóm lại, yêu cầu đối với một thông báo sáp nhập không rõ ràng như trước đây. Vì vậy có thể phải chờ thêm các quy định thi hành của Luật Cạnh Tranh 2018 để xác định liệu một giao dịch tập trung kinh tế có phải tuân theo yêu cầu thông báo theo Luật Cạnh Tranh 2018 hay không.

Luật Cạnh tranh 2018 đưa ra quy trình thẩm định hai giai đoạn đối với trường hợp tập trung kinh tế bao gồm thẩm định sơ bộ và thẩm định chính thức. Quy định này thay thế quy trình thẩm định một lần theo luật cạnh tranh cũ. Sau hai giai đoạn thẩm định, thay vì từ chối hoàn toàn, cơ quan cạnh tranh có thể quyết định cho phép giao dịch tiếp tục với một số điều kiện nhất định (ví dụ: chia, bán một phần vốn hoặc tài sản của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; kiểm soát các nội dung liên quan đến giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng lập bởi các doanh nghiệp được hình thành sau khi tập trung kinh tế).

Việc mua lại hiện được định nghĩa là việc mua gián tiếp hoặc trực tiếp toàn bộ hoặc một phần vốn góp hoặc tài sản của doanh nghiệp khác đủ để giành quyền kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp đó. Định nghĩa này rõ ràng hơn nhiều so với định nghĩa theo luật cạnh tranh cũ khi không bao gồm việc mua phần vốn góp.

Mức tiền phạt do vi phạm các quy định liên quan đến tập trung kinh tế giảm từ 10% xuống còn 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước đó.

Bài viết được đóng góp bởi Lê Minh Thùy, luật sư tập sự tại Venture North Law.