SỬA ĐỔI MỚI VỀ QUY ĐỊNH ĐĂNG KÝ KINH DOANH ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY TẠI VIỆT NAM

Nghị Định mới (Nghị Định 108/2018) được ban hành ngày 23 tháng 8 năm 2018 đưa ra nhiều sửa đổi đối với các quy định đăng ký kinh doanh hiện hành theo Nghị Định 78/2015. Nghị Định 108/2018 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2018. Dưới đây là một số thay đổi đáng chú ý:

·         Nghị Định 108/2018 làm rõ nội dung không quy định trong Nghị Định 78/2018 về việc các tài liệu sau đây trong hồ sơ đăng ký không bắt buộc phải đóng dấu của công ty: giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; và quyết định, nghị quyết và biên bản họp.

·         Giấy ủy quyền, cho phép một người đại diện cho một doanh nghiệp thực hiện thủ tục với cơ quan đăng ký kinh doanh không còn cần phải được công chứng hoặc chứng thực.

·         Nghị Định 108/2018 bãi bỏ yêu cầu một doanh nghiệp chỉ có thể lập một “điểm kinh doanh” ở tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc chi nhánh. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có thể có điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố mà doanh nghiệp không có chi nhánh hoặc trụ sở chính tại đó.

·         Trường hợp đăng ký giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp không còn bị yêu cầu phải nộp báo cáo tài chính mới nhất.

·         Liên quan tới các thay đổi về thông tin của cổ đông sáng lập, theo Nghị Định 108/2018, công ty cổ phần chỉ phải thông báo những thay đổi đó trong trường hợp cổ đông sáng lập không thanh toán đầy đủ số cổ phần đã đăng ký mua khi công ty được thành lập. Theo Nghị Định 78/2015, một công ty cổ phần cũng phải thông báo những thay đổi đó khi cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần của mình.

Bài viết được đóng góp bởi Hà Thành Phúc, luật sư tập sự tại Venture North Law.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ KHU CÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Ngày 22 tháng 5 năm 2018, Chính Phủ đã ban hành Nghị Định 82/2018 về khu công nghiệp và khu kinh tế tại Việt Nam. Nghị Định 82/2018 thay thế Nghị Định 29/2008 kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2018. Các điểm nổi bật của Nghị Định 82/2018 như sau:

·         Khu kinh tế nằm trong khu vực được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư từ nay được coi là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

·         Nghị Định 82/2018 đưa ra ba loại khu công nghiệp mới gồm khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Một số ưu đãi đầu tư sẽ được áp dụng với các khu công nghiệp hỗ trợ và khu công nghiệp sinh thái (ví dụ: miễn tiền thuê đất, vốn vay ưu đãi hoặc cho thuê đất với thời hạn tối đa). Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có thể bao gồm khu dân cư và dịch vụ nhưng không quá một phần ba diện tích khu công nghiệp. Ngoài ra, khu chế xuất hiện từ nay được coi là một loại khu công nghiệp thay vì được phân loại thành một khu vực riêng.

·         Định nghĩa sửa đổi về doanh nghiệp chế xuất (DNCX) dường như chỉ ra rằng một DNCX không cần phải xuất khẩu tất cả các sản phẩm của mình. Thay vào đó, DNCX chỉ cần chuyên sản xuất các sản phẩm xuất khẩu.

·         Nghị Định 82/2018 cho phép một khu công nghiệp có các cơ sở nhà ở riêng biệt cho các nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia nước ngoài.

Bài viết được đóng góp bởi Hà Kiều Anh, luật sư tập sự tại Venture North Law.

SỬA ĐỔI MỚI VỀ QUY ĐỊNH ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM

Tháng 6 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018 về hợp tác và đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (Nghị Định 86/2018). Nghị Định 86/2018 thay thế Nghị Định 73/2012 kể từ tháng 8 năm 2018. So với Nghị Định 73/2012, Nghị Định 86/2018 đưa ra những thay đổi đáng chú ý như sau:

·         Nghị Định 86/2018 không còn áp dụng đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo nghề. 

·         Lần đầu tiên, việc hợp tác liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài được cho phép ở tất cả các cấp học bao gồm các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo Nghị Định 73/2012, việc hợp tác liên kết chỉ được phép ở cấp giáo dục đại học.

·         Nghị Định 86/2018 quy định rõ ràng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng cách góp vốn hoặc mua cổ phần và phần vốn góp từ (1) cơ sở giáo dục Việt Nam hoặc (2) một tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập cơ sở giáo dục tại Việt Nam . Nghị Định 86/2018 cũng định nghĩa một cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là một cơ sở giáo dục do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư.

·         Nghị Định 86/2018 tăng số lượng tối đa học sinh trong nước mà một trường tiểu học, trung học cơ sở hoặc trường trung học phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư có thể tiếp nhận tới mức 50% tổng số học sinh. Theo Nghị Định 73/2012, mức trần là 20%.

·         Nghị Định 86/2018 khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài khó đầu tư hơn vào các trường đại học ở Việt Nam bằng việc tăng số vốn đầu tư tối thiểu lên 1.000 tỷ đồng (từ 300 tỷ đồng).

Bài viết được đóng góp bởi Hà Kiều Anh, luật sư tập sự tại Venture North Law.

QUY ĐỊNH VỀ VÍ ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM

Ví Điện Tử là một công cụ quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp thương mại điện tử và công nghệ tài chính. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành một số quy định về ví điện tử. Tuy nhiên, các quy định này dường như không đầy đủ.

Theo Nghị định 101/2012, ví điện tử được coi là dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó người dùng ví được cấp một tài khoản kỹ thuật số liên kết với phương tiện điện tử (ví dụ: điện thoại di động) và có chứa một giá trị tiền tệ. Giá trị tiền tệ trong ví điện tử được bảo đảm bằng tiền được chuyển từ tài khoản ngân hàng của người dùng sang tài khoản của nhà cung cấp dịch vụ ví. Người dùng chỉ có thể nạp và rút tiền mặt từ ví điện tử thông qua tài khoản của người dùng. Các khoản tiền trong tài khoản của nhà cung cấp dịch vụ ví chỉ có thể được sử dụng để thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ hoặc hàng hóa, hoặc để hoàn trả lại cho người dùng ví. Luật Phòng Chống Rửa Tiền 2012 yêu cầu một nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử với tư cách như một tổ chức tài chính công nghệ mới phải gặp trực tiếp khách hàng của mình khi khách hàng thực hiện giao dịch lần đầu với nhà cung cấp dịch vụ.